Người cuối cùng có thể xem là nằm trong thế hệ vàng ấy còn sót lại chính là Wayne Rooney, người năm nay cũng đã 29 tuổi nhưng vẫn chưa có gì và gần như sẽ không có gì cùng Tam sư. Đội tuyển Anh những 10 năm đầu thế kỉ 21 luôn nằm trong top những đội mạnh nhất thế giới thế nhưng vì nhiều lý do họ mãi mãi không thể đến đỉnh vinh quang.
Đầy rẫy ngôi sao
Tại World Cup 2002, người Anh với một đội hình đẳng cấp ở mọi vị trí đã thi đấu ngang ngửa với Brazil hùng mạnh năm đó và chỉ chịu thua từ một pha bóng không tưởng của Ronaldinho cùng sự chủ quan của David Seaman.
Thời điểm ấy đổ về sau, người Anh tự hào vì họ có trong tay dàn hảo thủ bậc nhất thế giới.Ở vị trí thủ môn, là David Seaman sau này là David James, dù là những thủ thành không tồi nhưng đây vẫn được xem là tuyến yếu nhất của Tam sư. Tại vị trí trung vệ thậm chí lúc đó John Terry và Carragher còn phải ngồi dự bị vì sự xuất sắc của Sol Campbell và Rio Ferdinand. Hai cánh của ĐT Anh được trấn giữ bởi Ashley Cole và Gary Neville. Ngoài ra còn phải kể đến Phil Neville, Ledley King,…
Những cầu thủ trong thế hệ Vàng của đội tuyển Anh |
Tiền vệ chính là nơi mạnh nhất của Tam sư, lúc này người Anh sở hữu quá nhiều nhân tài. Thậm chí Steven Gerrard còn phải dạt ra cánh để tìm kiếm cơ hội ra sân. Bởi ở trung tâm Lampard và Scholes đã án ngữ vị trí này. Cánh phải thuộc về đội trưởng David Beckham, một huyền thoại khác của Man United. Rất nhiều cầu thủ có số má khác buộc phải thường xuyên ngồi dự bị như Nicky Butt, Joe Cole, Owen Hargreaves,… Lúc này những Parker hay Carrick còn không có cơ hội để lên tuyển.
Cặp tiền đạo của đội bóng xứ Sương mù là Michel Owen và Wayne Rooney. Owen đã giành QBV năm 2001 và đã gia nhập dải ngân hà Real Madrid để trở thành một Galaticos còn Rooney tuy còn rất trẻ nhưng đã được gắn mác thần đồng và là niềm hy vọng vàng của nước Anh.
Thế nhưng, đã thêm 3 kỳ Euro và World Cup trôi qua, người Anh làm được gì. Không gì cả. Chưa một lần vào đến bán kết 2 giải đấu thậm chí năm 2008 còn để diễn ra đại thảm họa khi không giành vé đến Thụy Sĩ và Áo dự VCK Euro.
Thất bại bởi nhiều lí do
Vấn đề đầu tiên phải nhắc đến chính là HLV và nội bộ đội bóng. Từ Sven Goran Eriksson đến Steve Mc Laren đến Capello không một ai thể hiện được cái uy và bản lĩnh của mình. Điều đau đầu nhất đối với họ chính là kết hợp cặp siêu sao Gerrard và Lampard ở vị trí trung tâm. Cả 2 đều thi đấu quá xuất sắc ở cấp CLB và phủ bóng ở ĐTQG thế nên gạt họ ra ngoài là điều chưa HLV nào dám làm, nhưng một khi sử dụng cả 2 trên sân thì họ lại dẫm chân nhau.
Ngoài ra nội bộ đội bóng cũng tồn tại nhiều vấn đề như mối quan hệ giữa các cầu thủ vì đa phần họ đều đến từ 3-4 CLB có truyền thống cạnh tranh gắt gao thậm chí thù địch nhau ở Premier League như Manchester United, Chelsea, Liverpool,…
Một điều không thể không nhắc đến chính là do... Premier League. Nghe có vẻ oái ăm nhưng chính giải đấu mà người Anh tự hào là giải VĐQG hấp dẫn nhất thế giới này đã bào mòn hết thể lực của các cầu thủ. Premier League là giải đấu không có kì nghỉ đông như đa phần các nước khác, trong khi các cầu thủ Anh đều thi đấu trong nước rất hiếm khi xuất ngoại. Điều này đẩy họ kiệt sức sau một mùa giải vắt toàn lực cho các CLB tham dự 3-4 đấu trường. Nhiều cầu thủ đến World Cup chỉ có vỏn vẹn 2-3 tuần để nghỉ giải lao.
Truyền thông cũng gây hại không ít cho Tam sư, trước mỗi giải đấu lớn là báo giới xứ Sương mù tung hô, đặt hết mục tiêu này đến mục tiêu khác cho đội tuyển Anh, gây áp lực rất lớn cho các cầu thủ. Đã vậy những scandal của các cầu thủ, HLV đều được báo chí phơi bày bất chấp thời gian, không gian làm phân tâm không ít các cầu thủ. Chính vì bị dư luận soi mói quá kĩ, nhiều cầu thủ đã không còn tập trung toàn lực vào việc thi đấu.
Cuối cùng, họ thất bại chính từ các cầu thủ của họ. Tâm lý yếu kém đã khiến không ít lần Tam sư ôm hận trước các đội bóng nhỏ, đã vậy họ luôn bị đối thủ coi thường khi kéo nhau đến loạt đá penalty, nơi mà người Anh nổi danh với nhiều cầu thủ sút như bắn chim lên trời. Có cảm giác rằng tuyển Anh chỉ là tập hợp của các ngôi sao chứ không phải là đội bóng đích thực. Trong khi đó, lứa cầu thủ xuất sắc của Đức sau nhiều năm kiên trì đứng lên sau thất bại đã giành quả ngọt tại World Cup 2014, còn thế hệ Vàng của bóng đá Tây Ban Nha thì thống lĩnh thế giới suốt 6 năm liền. Nhìn lại thế hệ Vàng của đội tuyển Anh ta có chút ngậm ngùi khi bây giờ mỗi người lìa mỗi ngả mà không có một danh hiệu gì để tự hào mỗi khi nhớ về nhau.