Không hẳn là gây thất vọng song U19 Việt Nam hoàn toàn có thể làm tốt hơn thế ở giải châu Á năm nay. Dưới đây là 5 bài học đáng để rút ra cho thầy trò Guillaume Graechen sau chuyến trở về từ Myanmar…
1. Dứt điểm không tốt
Phải thừa nhận U19 Việt Nam có nhiều phương án tấn công và các phương án ngày càng trở nên đa dạng sau mỗi giải đấu. Ngoài những tình huống tấn công trực diện của Công Phượng, Văn Toàn, những mũi khoan bất ngờ từ 2 cánh của Văn Long, Quang Hải (Thanh Tùng), đội bóng của HLV Graechen còn sở hữu những đường chuyền dài và sút xa cực tốt của Tuấn Anh – Xuân Trường.
U19 Việt Nam cần tiếp tục rèn giũa khả năng dứt điểm |
Với ngần ấy phương án tấn công, U19 Việt Nam đã tạo ra không ít cơ hội ngon ăn dù phải chạm trán 3 đối thủ mạnh là U19 Hàn Quốc, U19 Nhật Bản và U19 Trung Quốc. Tuy nhiên, ở giải năm nay, chúng ta chỉ có vỏn vẹn 2 bàn thắng. Điều đó cho thấy khả năng dứt điểm của U19 Việt Nam rất có… vấn đề.
Ngay cả Công Phượng, niềm hi vọng số 1 của hàng công U19 Việt Nam, cũng bỏ lỡ khá nhiều cơ hội, đặc biệt là ở trận gặp Nhật Bản và Trung Quốc. Đa phần những cú dứt điểm của U19 Việt Nam đều tỏ ra “hiền” và thiếu quyết đoán, thậm chí có phần hời hợt, không tương xứng với những pha ban bật trước đó.
Thực tế, đây là điểm yếu mà U19 Việt Nam đã gặp phải ở nhiều giải đấu trước đó. Nếu không thể cải thiện khả năng dứt điểm, sẽ không bất ngờ nếu U19 Việt Nam tiếp tục rơi vào tình cảnh “thua trong nuối tiếc”.
2. Thể lực hạn chế
So với các đối thủ trong khu vực và châu lục, U19 Việt Nam có thể hình khá khiêm tốn. Đây là thiệt thòi lớn trong các môn thể thao, đặc biệt là bóng đá. Tuy nhiên, Nhật Bản đã cho thấy họ hoàn toàn có thể xóa mờ khuyết điểm này bằng lối chơi giàu thể lực. Còn U19 Việt Nam, qua nhiều giải đấu, chúng ta vẫn chưa có được nền tảng tốt nhất dù có chế độ dinh dưỡng và luyện tập khá bài bản.
Ở trận ra quân gặp U19 Hàn Quốc, U19 Việt Nam đã chơi khá tốt ở hiệp 1. Nhưng ở hiệp đấu thứ 2, khi thể lực cạn kiệt, chúng ta đã đánh mất thế trận và dễ dàng để đối phương chọc thủng lưới 5 bàn. Ở trận đấu thứ 2 với Nhật Bản, U19 Việt Nam tiếp tục để thua 2 bàn ở những phút cuối cùng. Kịch bản ấy tiếp tục xảy ra ở trận hòa Trung Quốc chiều qua.
Chưa nói tới vấn đề chuyên môn, U19 Việt Nam đã thua 3 đối thủ ở mặt thể lực. Đây là 1 trong những “điểm chết” của bóng đá mà thầy trò Graechen phải cải thiện, hay chí ít là phân bố thể lực một cách hợp lý.
3. Cần đa dạng hóa sự lựa chọn
Chỉ cần một cái “click chuột”, các đối thủ của U19 Việt Nam có thể dễ dàng tìm ra đội hình mạnh nhất của HLV Graechen cũng như những nhân tố nổi bật. Phải chăng U19 Việt Nam không có quá nhiều sự lựa chọn? Có thể bởi đội hình triệu tập lâu nay của HLV Graechen không có sự biến động đáng kể và nòng cốt vẫn là các tài năng trẻ của Học viện HAGL Arsenal JMG.
Thanh Tùng ghi cả 2 bàn thắng cho U19 Việt Nam ở giải châu Á 2014 |
Tuy vậy, chúng ta vẫn có khả năng gây bất ngờ cho các đối thủ nhờ những phương án dự phòng từ băng ghế dự bị. Ví như 2 trận cuối gặp Nhật Bản và Trung Quốc, tiền vệ Thanh Tùng đã chơi khá ấn tượng khi thay thế Quang Hải. Thậm chí, cầu thủ sinh năm 1996 này còn là người ghi cả 2 bàn thắng cho U19 Việt Nam. Tương tự là trường hợp của những Minh Vương hay Tuấn Tài.
Đó là những nhân tố là HLV Graechen cần lưu tâm khi Văn Long, Công Phượng bị đối phương “chăm sóc” kĩ.
4. Cầu toàn chưa phải đã tốt
Sự cầu toàn là yếu tố luôn mang tới tỉ lệ thành công cao cho các tình huống dứt điểm nói riêng hay các đợt tấn công nói chung. Trong những năm 2000, lối chơi ban bật của Arsenal tỏ ra cực kì hiệu quả nhờ yếu tố này khi bóng thường xuyên được đưa sát khung gỗ.
U19 Việt Nam cũng tỏ ra cầu toàn nhưng kém hẳn về sự hiệu quả. Ví như ở trận đấu chiều qua với U19 Trung Quốc, Công Phượng đáng lẽ đã nâng tỉ số lên 2-0 ở phút 84 nếu dấn bóng thêm 1 nhịp và dứt điểm thay vì chuyền bóng 50-50 cho Tuấn Tài. Vì những pha bỏ lỡ không đáng có kiểu này mà U19 Việt Nam luôn sống trong cảm giác nuối tiếc ở rất nhiều giải đấu, không riêng ở VCK U19 châu Á năm nay.
Cũng do quá lạm dụng kĩ thuật cá nhân và chơi quá đồng đội mà nhiều cầu thủ tấn công của U19 Việt Nam rơi vào trạng thái “lười dứt điểm” dù họ đã có vị trí rất thuận lợi. Nếu để ý cách chơi của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy rõ sự rườm rà thiếu cần thiết của Công Phượng và các đồng đội trong nhiều thời điểm.
Ngoài ra, U19 Việt Nam cũng phải tăng cường sự đa dạng trong tấn công bằng những cú sút xa, đặc biệt khi chúng ta đang sở hữu 2 tiền vệ có khả năng “nã đại bác” rất tốt là Tuấn Anh và Xuân Trường. Phương án này không được sử dụng nhiều là sự thiếu hụt rất đáng tiếc của thầy trò Graechen.
5. Lỗ hổng 2 cánh
Nói đi, nói lại, điểm yếu tệ nhất của U19 Việt Nam ở giải châu Á lần này vẫn nằm ở hàng phòng ngự, đặc biệt là ở hành lang 2 cánh do Văn Sơn và Hồng Duy trấn giữ.
Hồng Duy thường xuyên để mất vị trí khi tham gia tấn công |
Đầu tiên, phải thừa nhận đây là 2 hậu vệ có khả năng hỗ trợ tấn công rất tốt. Tuy nhiên, do thể lực và tốc độ không tốt, Văn Sơn và Hồng Duy thường xuyên để mất vị trí, buộc trung vệ phải bó cánh, dẫn tới việc U19 Việt Nam bị phá vỡ đội hình. Đây là nguyên nhân khiến thầy trò Graechen để lọt lưới khá nhiều ở giải châu Á năm nay.
Thứ hai, Văn Sơn và Hồng Duy nói riêng và hàng thủ U19 Việt Nam nói chung quá lạm dụng kĩ thuật cá nhân bên phần sân nhà. Đây là điều quá nguy hiểm, từng khiến U19 Việt Nam phải trả giá.