Hai địa phương có cùng điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội và hạ tầng, song Đồng Nai lại liên tục thua thảm trước Becamex Bình Dương kể từ khi lên hạng V.League vào năm ngoái...
Đôi khi trong bóng đá, người ta thường nhìn vào quá khứ hoặc cả một quá trình thi đấu của một CLB để đoán định tương lai. Nhưng tại Việt Nam, các đội bóng được đầu tư theo kiểu từng năm hoặc từng tháng, vì vậy mà sự bất ổn định của chúng làm cho những người quan tâm không biết bắt đầu từ đâu để theo dõi.
Nhưng đó là vấn đề chuyên môn, một vấn đề mà ít khi nào trong các blog về bóng đá của tôi, yếu tố đó xuất hiện. Chỉ có điều, khi người ta không nói về chuyên môn trong bóng đá, đó là lúc bóng đá có những yếu tố khác đáng khai thác hơn...
1. Xuất phát điểm là một CLB có truyền thống bóng đá lâu đời nhất cả nước, Đồng Nai có thể tự hào rằng họ có tuổi đời không thua kém gì so với những CLB truyền thống ở châu Âu. Từ thời Pháp thuộc, vùng đất này đã có đội bóng và liên tục thi đấu đỉnh cao cho tới khi được bàn giao và chuyển lại cho CLB hiện nay, vào năm 1976. Không chỉ là một CLB có truyền thống lâu đời, Đồng Nai còn sản sinh ra huyền thoại xuất sắc nhất châu Á một thời, thủ môn Phạm Văn Rạng, niềm tự hào của Việt Nam trên đấu trường bóng đá quốc tế.
Trái ngược với đội bóng láng giềng có tỉnh lỵ Biên Hòa, Bình Dương lại là một vùng đất nghèo nàn cạnh bên, và nổi tiếng với những quân khu kháng chiến hơn là với những đội bóng. Chỉ mới được thành lập vào năm 1997, song B.Bình Dương đã nhanh chóng nắm lấy ưu thế với quyền lực muôn thuở: những đồng tiền đầu tư. Sức mạnh đầu tư khủng khiếp của Tổng công ty Becamex đã góp tay một phần vào công cuộc phá giá thị trường cầu thủ, và điều đó giúp họ đoạt cúp vô địch liên tiếp vào các năm 2007 và 2008. Dù thành công về mặt thành tích, song Bình Dương thời đó được gọi là một đội bóng lê dương, với những cầu thủ từ khắp nơi hội về chơi cùng màu áo.
2. Được khai khẩn và đặt trấn từ 300 năm trước, Đồng Nai là một vùng đất đặc sắc văn hóa phương Đông và giàu tính lịch sử. Người ta có thể thấy hàng trăm công trình mái ngói và chùa cổ tại Biên Hòa, pha lẫn với những nét kiến trúc của người Hoa khai khẩn. Sự hoài cổ của những con phố vốn không có tính hiện đại hóa cao, càng làm cho Biên Hòa - Đồng Nai có những nét đẹp rất Nam bộ mà cũng rất truyền thống. Kể từ sau 1975, vùng đất này đã chuyển mình trở thành một trong những nơi sản xuất hàng hóa hiện đại và trọng điểm cho cả quốc gia, nhưng người ta vẫn giữ lại được nét truyền thống trong nội ô thành phố.
Là một vùng đất được phát triển rất trễ, Bình Dương nói chung và Thủ Dầu Một nói riêng là một khu đô thị cực trẻ và có vô vàn tiềm năng phát triển. Khác với người hàng xóm già cỗi, Bình Dương có ưu thế cực lớn với hệ thống sông ngòi vừa phải, nguồn tài nguyên thiên nhiên tốt và thu hút được đầu tư nước ngoài cao. Thủ Dầu Một ngày nay được quy hoạch và trở thành một trong những thành phố có sự sắp xếp khoa học nhất toàn quốc, ẩn chứa những tiềm năng và sức bật vượt trội. Kể từ những năm 2000, sự trỗi dậy của Bình Dương đem lại hàng triệu việc làm cho nhân công từ khắp nơi trên cả nước, và hiện tại đã có GDP đầu người ngang ngửa Đồng Nai.
3. Với những 'background' hoàn toàn trái ngược, Bình Dương và Đồng Nai như hai mặt của đồng xu, để có thể cùng nhau tạo ra những trận derby địa phương cục bộ và hấp dẫn nhất. Nhưng tiếc thay vào Chủ Nhật qua vừa, chỉ có một đội trên sân là thi đấu, còn đội kia đánh mất bản thân mình.
B.Bình Dương vẫn trung thành với một đội hình toàn lính lê dương, đặc biệt có tới ba ngoại binh nhập tịch thi đấu. Sức quyết toán của B.Bình Dương mùa này cũng làm cho bất cứ một ông lớn nào khác của V.League đều phải e dè, và điều đó đã thể hiện rõ trên sân. Những cầu thủ lê dương của họ dù đã phối hợp không tốt cùng nhau trong cả trận, song những pha xử lý cá nhân đều gọn gàng đến đáng ngạc nhiên và điều đó dẫn đến sự khác biệt về mặt tỉ số.
Đồng Nai, mặt khác, vẫn phần nào trung thành với những cầu thủ do chính địa phương đào tạo, với phần lớn các cầu thủ trong đội một từng là những sản phẩm ưu tú của bóng đá địa phương. Những Phạm Hữu Phát, Nguyễn Đức Thiện, Lê Hữu Phát, Nguyễn Thanh Diệp, Nguyễn Đức Nhân... đều là những cầu thủ lớn lên trong màu áo đội trẻ địa phương, và nói như văn hóa bóng đá Anh, đây là những 'local lads' (những cậu bé địa phương). Nhưng rồi họ lại không sử dụng đa phần những cầu thủ này, mà lại chọn một đội hình lê dương, điều mà đối thủ giỏi hơn, để rồi nhận lại một kết quả không khả quan hơn là mấy.
Ở Anh, những cầu thủ giỏi xuất phát từ địa phương và thi đấu cho địa phương đều được gọi là những bông hoa của thành phố, giống như thế hệ Busby Babes hay Class of 92 của Manchester United. Khi nhắc đến những cầu thủ này, địa phương họ rất tự hào và thậm chí được đem ra làm hình ảnh tiêu biểu của cả thành phố. Một điều nữa mà chuyên môn bóng đá không bao giờ có thể can thiệp được, đó là tình cảm gắn bó sâu sắc của người hâm mộ với những cầu thủ địa phương.
BHL của Đồng Nai tung ra một đội hình lê dương nhằm có kết quả tốt về chuyên môn và thành tích, song họ đã làm thất vọng toàn bộ hơn 1000 cổ động viên vượt đường xa đi cổ vũ những cầu thủ con cưng của mình, mà nói cách khác ở đây, chính là những cầu thủ địa phương mà họ yêu mến. Tình cảm này chắc chắn không thể có được từ những cổ động viên Bình Dương, khi chứng kiến họ văng tục trên khán đài khi một cầu thủ Thanh Hóa bước vào sân - "Mày đá cho đàng hoàng đấy!". Câu nói này phần nào làm đau lòng các cầu thủ - những người hưởng lương và cống hiến cho đội bóng, nhưng cũng không làm những cổ động viên thốt ra nó cảm thấy thoải mái hơn, vì họ đơn giản chỉ xem những cầu thủ từ địa phương khác đến là người làm công ăn lương không hơn không kém.
4. Bóng đá là một môn thể thao đẹp. Chính sách bóng đá của từng địa phương phản ánh phần nào tư tưởng và dự định ấp ủ của những người đứng đầu mỗi tỉnh. Dù với bất kì kết quả nào, bóng đá đơn thuần cũng chỉ là một trò chơi, và người ta không bao giờ được phép bán rẻ nó.
Sự đìu hiu của các khán đài V.League đã nói lên được rất nhiều điều, và đơn giản nhất đó là bóng đá nội địa hiện nay mất quá nhiều sức hút với khán giả trong nước. Khi nói đụng đến những vấn đề này, người ta thường đổ lỗi là vì thành tích không cao, khán giả sẽ không đến. Nhưng không phải vậy. Có hàng trăm những CLB rất nhỏ ở Anh và Đức đang thi đấu ở các giải phong trào, nhưng sân vận động của họ có sức chứa khoảng trên dưới 10.000 chỗ vẫn không bao giờ có chỗ trống. Điều gì đã làm nên sức hút thần kì cho những trận đấu không có chuyên môn đến vậy? Đó là tình yêu!
5. Ở một giải đấu chạy theo thành tích và ăn xổi ở thì như V.League thì, tình yêu là một điều gì đó quá xa xỉ.