Tính riêng trong năm 2015, thất bại 0-6 của lứa U19 Việt Nam trước U19 Thái Lan mới đây đã là lần thúc thủ thứ 3 của chúng ta ở cấp độ các đội tuyển. Trước đó ĐTQG đã thúc thủ 0-1 trước đối thủ “kỵ rơ” này thuộc vòng loại World Cup 2018. Còn U23 cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi ngậm ngùi nhường 3 điểm cho U23 đội bạn ở vòng bảng SEA Games 28.
Thắng thua trong bóng đá vốn là một điều quá đỗi bình thường, tuy nhiên quá nhiều lần đội bóng của chúng ta gục ngã trước người Thái với chỉ một kịch bản là “bất lực” đã cho thấy đẳng cấp của đối thủ quá cao với chúng ta. Nói cách khác, sau bao năm cố gắng bám đuổi thì cuối cùng nền bóng đá chúng ta đã cạn kiệt sức lực trong việc chạy theo trình độ của người Thái.
Vài năm trước hàng lọat cầu thủ ngôi sao Thái Lan sang V-League thi đấu, khi ấy ta cứ ngỡ rằng giải VĐQG nước mình là số 1 khu vực, nhưng khi nhìn lại mới thấy họ đến với chúng ta đơn giản chỉ vì chế độ đãi ngộ hấp dẫn mà thôi.
Bây giờ dù muốn dù không thì người Việt vẫn phải nhìn nhận Thai Premier League mới là số 1 Đông Nam Á đúng nghĩa, thậm chí được giới chuyên môn đánh giá là giải VĐQG hấp dẫn thứ 5 châu Á. Cách tổ chức giải rất chuyên nghiệp vì thế mỗi trận ở giải đấu này như 1 ngày hội thật sự mỗi dịp cuối tuần với các NHM, chất lượng chuyên môn thì khỏi chê vào đâu được.
Được biết để có được thành công như hiện tại ở cả giải vô địch quốc gia và các đội tuyển, người Thái đã chấp nhận “buông” thành tích nhỏ bé ở “ao làng” để tập trung làm lại từ đầu một cách căn cơ và theo quy chuẩn hiện đại sau nhiều năm học hỏi từ bóng đá Anh.
Và giờ đây thì ai cũng thấy rằng sau nhiều năm trồng người thì bóng đá Thái Lan bắt đầu hái những quả ngọt đầu tiên. Lối chơi kỹ thuật, nhuần nhuyễn cộng với chất lượng nhân sự có chuyên môn cao nên chẳng có gì ngạc nhiên khi các đội tuyển của họ “không hẹn mà gặp” thu gom hết những chức vô địch về “tặng” FAT (LĐBĐ Thái Lan).
Việc hoạch định một chiến lược thống nhất và dài hơn về lối chơi, cũng như đường lối phát triển là mơ ước lâu nay của nhiều thế hệ người làm bóng đá ở Việt Nam. Ngoài ra cần phải nói thêm rằng bóng đá Việt Nam không hề thiếu tiền, cũng chẳng thiếu đi những con người rất nhiệt huyết.
Tuy nhiên bệnh thành tích đã trở thành căn bệnh mãn tính không thể chữa trị dứt điểm và làm ảnh hưởng lớn đến quá trình vươn tầm ra khỏi “ao làng” của nền bóng đá chúng ta.
Ở một chừng mực nào đó có thể thấy rằng nền bóng đá nước nhà vẫn đang dậm chân tại chỗ về mặt đẳng cấp sau hàng chục năm qua. Người Việt giờ đây nên gạt bỏ sự sĩ diện để cắp sách theo học cách làm bóng đá của đại kình địch Thái Lan có lẽ sẽ tốt hơn. Nhìn người Thái thể hiện đẳng cấp với hàng loạt chức vô địch xứng đáng mà lòng đau quá…