Năm mới không nên nhắc lại “quá khứ buồn đau” mà hãy dành cho những ước mơ tốt đẹp. Biết đâu là điềm may khi những ngày đầu năm 2014 này người hâm mộ bóng đá tất thảy đều hướng về đội U.19 quốc gia ở giải tứ hùng tranh Cúp Nutufood với niềm tin mạnh mẽ. Nó khác xa với không khí lặng lẽ của bóng đá ngày đầu năm 2013. Vậy nên mọi người có quyền bay bổng với những ước mơ của mình.
Thành công bước đầu của U.19 đánh dấu sự thành công của các lò đào tạo trẻ. Chắc chắn không thể có U.19 hiện nay nếu không có Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal GMJ, được liên kết bởi một CLB trong nước và “ông lớn” Arsenal. Ở Việt Nam hiện nay, ngoài lò của bầu Đức kể trên, còn có một lò đào tạo rất thành công khác là Quỹ Đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) do 3 thành viên của tập đoàn Vingroup đầu tư.
PVF hiện đang đào tạo các lứa cầu thủ U.11 đến U.15, gần như độc chiếm ngôi đầu của các giải dành cho lứa tuổi này. Bên cạnh dàn cầu thủ được tuyển chọn công phu, đào tạo bài bản nên kỹ thuật không chê vào đâu được, họ cũng có những cầu thủ nổi tiếng như Nguyễn Hồng Sơn thuộc đội U.13 PVF đã được chọn vào chương trình đào tạo bóng đá toàn cầu tại Qatar. Tuy nhiên, giữa Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal GMJ và PVF lại có sự khác biệt hoàn toàn về cơ chế hoạt động. PVF là một tổ chức phi lợi nhuận, trong khi lò liên kết của Hoàng Anh Gia Lai sẽ chuyển nhượng cầu thủ.
Các cầu thủ U19 Việt Nam. Ảnh: Internet. |
Một điểm chung của hai nơi này là học viên được tuyển chọn khắp cả nước, được huấn luyện kỹ thuật song song với học văn hóa, trong đó bắt buộc học ngoại ngữ, đồng thời với rèn văn hóa, đạo đức. Đó là điều từ trước đến nay bóng đá Việt Nam chưa bao giờ có được. Vì vậy, từ mô hình của hai nơi này, ước năm nay sẽ có thêm vài lò đào tạo tương tự thì tương lai chúng ta không còn lo thiếu cầu thủ vừa tài vừa đức.
Một khi lò đào tạo trẻ phát triển cũng không quên quan tâm đến “lò” dành cho người lớn. Đó là người hâm mộ mong muốn có sự cải tổ mạnh mẽ, rõ nét trong bộ máy tổ chức điều hành bóng đá. Từ khi Công ty VPF ra đời có nhiệm vụ điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp đến nay chẳng những không đưa được V-League đi lên xứng tầm mà còn để lại rất nhiều tồn tại. Hàng loạt vấn đề khiến dư luận mất niềm tin, từ chất lượng giải đấu tệ hại, đến đạo đức cầu thủ và đạo đức… trọng tài đi xuống.
Ở tầm rộng hơn, bóng đá Việt Nam vẫn “xây nhà từ nóc” mặc dù những người chủ trương xây nhà theo kiểu ấy đã từng tâm đắc với câu nói mang tính đúc kết trên của cựu HLV A.Riedle. Vì vậy, mọi người ước mơ vào một sự thay đổi mạnh mẽ, đầu tiên là từ những người có trách nhiệm trong liên đoàn cho đến các tổ chức thành viên, giúp việc. Làm bóng đá chuyên nghiệp cần những người chuyên nghiệp, vì bóng đá không màng đến “phết phẩy”, vun vén cho riêng mình.
Dông dài rồi ngẫm lại, với nền tảng hiện nay, với những con người dự kiến trong bộ máy liên đoàn, có lẽ ước mơ của người hâm mộ cũng chỉ là mơ ước mà thôi.