Câu chuyện về tuổi 19 hay 21 của tiền vệ đội tuyển U19 Việt Nam Nguyễn Công Phượng khiến dư luận tốn biết bao giấy mực trong tuần qua.
Đã xuất hiện một luồng ý kiến muốn “đào tận gốc, trốc tận rễ” để chứng minh Công Phượng gian lận tuổi và như thể muốn nói việc khai man này sẽ khiến anh không còn xứng đáng là “người hùng” trong mắt của hàng triệu người hâm mộ.
Công Phượng cần được bồi dưỡng, động viên để tiếp tục cống hiến - Ảnh: Khả Hòa |
Còn những người hiểu chuyện thì cảm thấy đằng sau đó là một câu chuyện không đơn giản chứ không phải đơn thuần chỉ là chuyện giấy tờ tùy thân vốn là căn bệnh kinh niên nhập nhằng, bất cập từ lâu của nhiều địa phương.
Trong câu chuyện về Công Phượng, cho dù kết quả cuối cùng ra sao thì có một điều không thể phủ nhận: nếu có chênh lệch tuổi thật thì trước hết do trách nhiệm của người lớn, mà cụ thể ở đây là nhà trường nơi Phượng từng học, chính quyền và cơ quan chức năng xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).
Bản thân Công Phượng không thể quyết định vấn đề này. Một loạt giấy tờ được chứng minh khác nhau có xuất xứ từ những năm 2000, khi mà Công Phượng chỉ ở tuổi đang cắp sách đến trường và chỉ biết đá bóng.
Điều này cho thấy em không thể tự mình tạo ra những thay đổi về hồ sơ cá nhân, nếu có. Không phải bạn đọc nào, người hâm mộ nào cũng muốn trách móc, đay nghiến Công Phượng vì “sự cố” này. Những ý kiến phản hồi với chúng tôi về việc rút kinh nghiệm với cầu thủ trẻ này một cách bao dung hơn, nếu quả như sự thật từng được người lớn khỏa lấp.
Có lẽ, đã đến lúc cần khép lại câu chuyện không vui này. Công Phượng cần được bồi dưỡng, được động viên để tiếp tục cống hiến tích cực hơn cho bóng đá Việt Nam.