Chuyện Cà Mau xin nghỉ đá hạng Nhất, xong rồi bỗng dưng nổi hứng lên đòi đá lại té ra không phải là câu chuyện bi hài nhất làng bóng đá Việt những ngày này. Và trùng hợp thay, câu chuyện còn lại cũng là câu chuyện ở… miền Tây.
Hôm qua, ngày 10/11, làng bóng đá Việt xôn xao khi có thông tin CLB XSKT Cần Thơ gây áp lực với hai cầu thủ Đức Linh và Ngọc Điểu để bắt họ ký vào biên bản giải quyết với nhiều điều khoản bất lợi. Điều đáng nói ở đây là BLĐ Cần Thơ còn mời cả cả Công an địa phương đến để làm chứng cho việc này.
Trước đó, vào tháng 5/2015, thời điểm V-League còn đang thi đấu, cả hai cầu thủ Ngọc Điểu và Đức Linh đã vướng vào rắc rối khi bị CLB XSKT Cần Thơ đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không có bất kỳ lý do nào chính đáng. Bỗng dưng mất việc, cả hai tiến hành đâm đơn kiện CLB chủ quản, và đã thành công.
1 tuần trước, VFF ký hai công văn công văn số 1270 và 1271/LĐBĐVN-PL buộc CLB chủ quản Cần Thơ phải bồi thường hợp đồng cho hai cầu thủ này, với số tiền lên tới gần 500 triệu đồng, và buộc phải nhận lại Đức Linh lẫn Ngọc Điểu.
Tưởng như mọi chuyện êm xuôi, thì trong cuộc gặp để giải quyết công việc và tranh chấp vào hôm qua, cả Ngọc Điểu lẫn Đức Linh được một phen hoảng hồn khi CLB Cần Thơ gây sức ép bắt buộc phải làm theo phương án của họ. Mà phương án này thì đâu có tuân theo VFF.
Kinh khủng hơn, sau khi mời Công an địa phương đến (để gây sức ép!?), BLĐ Cần Thơ còn cố tình nhốt Đức Linh lại văn phòng làm việc, với nguyên nhân là cầu thủ này không chịu ký biên bản.
Một cách hành xử rất khó có thể chấp nhận trong một xã hội văn minh. Nếu lấy yếu tố thượng tôn pháp luật lên làm đầu, thì quyết định của VFF dựa trên các nguyên tắc về hợp đồng lao động rõ ràng cần được tôn trọng. Các cầu thủ (và luật sư của mình) đã làm điều đó, còn các quan chức, BLĐ của CLB XSKT Cần Thơ đang nghĩ gì trong đầu, khi cố tình làm trái mọi thứ?
Và với việc nhờ cậy cả Công An, sử dụng các biện pháp không đẹp (giam lỏng và hăm dọa) với những cầu thủ – đối tượng có thể coi là yếu thế hơn, không hiểu XSKT Cần Thơ là CLB bóng đá chuyên nghiệp, hay là tổ chức gì nữa?
Nên nhớ rằng trước đó, Bửu Ngọc cũng đã bị thanh lý hợp đồng mà không rõ lý do, và chắc chắn anh sẽ còn khổ sở với những người lãnh đạo ở đội bóng Tây Đô này.
Thật tội nghiệp cho các cầu thủ, bởi chí ít bến Ninh Kiều cũng đã là bến đỗ mơ ước của nhiều cầu thủ chuyên nghiệp, với những lời hứa hẹn và tiền lót tay rủng rỉnh. Và những câu chuyện về cách làm bóng đá kiểu doanh nghiệp trong vài năm gần đây, tưởng đã lắng xuống, giờ đây lại nhức nhối hơn bao giờ hết.