Kể từ sau AFF Cup 2008 đến nay, ngoài những thế hệ đàn anh như Minh Phương, Tài Em, Hồng Sơn lần lượt giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế và phong độ suy giảm thì Công Vinh cũng từ đó trở thành thủ lĩnh trong hầu hết tất cả những đội anh đến. Từ Hà Nội T&T đến SLNA và tập trung ĐTQG anh đều là thủ lĩnh. Với cá tính mạnh, chuyên môn tốt, tuổi tác và kinh nghiệm trận mạc, bề dày thành tích cũng như tài ăn nói và cách ứng xử của mình, Công Vinh là người “khôn“ nhất trong giới cầu thủ Việt. Vậy mà khi về Bình Dương anh lại phải chịu cảnh “chiếu dưới“ so với Anh Đức.
Trong khi đó ở Bình Dương, Anh Đức là người con ruột của đất Thủ, có nhiều năm cống hiến, thi đấu và là tượng đài nơi đây. Trong thi đấu anh cũng là linh hồn, lĩnh xướng hàng công Bình Dương. Với một phong độ chói sáng, không phải Công Vinh mà chính Anh Đức mới là tiền đạo nội hàng đầu không chỉ của Bình Dương mà của cả Việt Nam trong 2 năm gần đây. Bằng chứng là dù không được lên tuyển thì anh vẫn ẵm danh hiệu Quả bóng Vàng 2015 một cách thuyết phục. Anh là tượng đài của Bình Dương, đó là điều không thể tranh cãi.
Chính vì vậy, dù không chịu thua thiệt, hay kém cạnh ai bao giờ, nhưng nơi “đất khách quê người“ Công Vinh đã phải cúi đầu làm “kép phụ“ cho Anh Đức ở Bình Dương. Ở đây, anh không phải là cầu thủ xuất sắc nhất, cũng không phải là thủ lĩnh tinh thần, anh cũng không được thi đấu ở vị trí sở trưởng, khi chấp nhận chơi dạt ra biên, có nhiệm vụ phục vụ cho anh Đức.
Trong tất cả những đội Công Vinh thi đấu (trừ Sapporo), anh luôn là người trung tâm: Được sút phạt, đá penalty, đội trưởng… Nhưng trên sân Bình Dương, tất cả điều đó thuộc về Anh Đức. Xem Công Vinh thi đấu cho Bình Dương 2 năm nay, nếu ai tinh ý cũng thấy Công Vinh “không được vui“ cho lắm. Trên sân sau mỗi bàn thắng của Anh Đức, Công Vinh cũng chia vui một cách chừng mực với một thái độ và phong cách có phần “bề trên“, chứ không giống như các cầu thủ khác. Dưới thời Lê Thụy Hải anh còn khốn khổ hơn khi dự bị rất nhiều.
Tuy nhiên, câu chuyện ở Bình Dương lại không giống câu chuyện ở ĐTQG. Nếu Anh Đức là “Vua“ ở Bình Dương thì ở ĐTQG Công Vinh là “Hoàng Đế“. Không phải dưới thời Hữu Thắng mà cả thời Miura thì Đội tuyển Quốc gia là “mảnh đất bất khả xâm phạm“ của Công Vinh. “Dù ai nói ngả nói nghiêng“, bàn tán và không “phục“ thì Công Vinh vẫn là thủ lĩnh tuyệt đối trên sân và phòng thay đồ. Do đó, nếu lên tuyển, Anh Đức và Công Vinh sẽ có một sự hoán đổi vị thế đầy oái ăm và không hề dễ chịu. Mọi người sẽ nói rằng đã là cầu thủ chuyên nghiệp thì không chấp nhặt như thế, tất cả phải vì tập thể, vì lợi ích chung…
Nhưng tất cả đó chỉ là lý thuyết, là vẻ bề ngoài, bằng mặt không bằng lòng. Còn thực sự bên trong suy nghĩ của Anh Đức và Công Vinh như thế nào thì khó mà biết. Chỉ biết rằng, qua quan sát những biểu hiện và hành xử bên ngoài của 2 cầu thủ, rõ ràng họ đang giữ khoảng cách với nhau và là đồng đội nhưng lại đang lời qua tiếng lại ngay trên báo chí. Họ đang cố thể hiện “quyền lực“ trên mảnh đất mà họ là Vua.