Ngày 14-2 sẽ diễn ra Đại hội VFF nhiệm kỳ VII. Phiếu vẫn chưa bầu nhưng các vị trí gần như đã được định đoạt.
Bầu Đức chấp nhận làm phó
Điều này đã được chính bầu Đức khẳng định rằng ông chỉ chấp nhận làm phó trong trường hợp ông Lê Hùng Dũng đắc cử chức chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII.
Xét cho cùng thì bầu Đức trong thời gian qua cũng kề vai giúp ông Lê Hùng Dũng không ít, đặc biệt là kéo ông Dũng ngồi cùng xuồng với những chiến dịch lớn gây tiếng vang như đưa Arsenal qua Việt Nam thi đấu. Gần đây nhất và cũng mở ra một con đường cứu bóng đá Việt Nam sau một mùa thất bát có cái để ăn, để nói là bầu Đức đã đưa lứa U-19 (với phần lớn là “gà” bầu Đức) ra trình làng người hâm mộ Việt Nam tại Cúp Nutifood. Cái cúp mà ông Dũng khi lên tuyên bố khai mạc đã hùng hồn vung những nắm đấm của người chiến thắng cùng những lời hứa hẹn quanh lứa cầu thủ trẻ đang hút hết người hâm mộ và giới truyền thông vào đấy.
Bầu Đức làm phó chủ tịch phụ trách tài chính thì nhiều người yên tâm bởi ông thuộc dạng ít ỏi người làm bóng đá mà lấy tiền túi bỏ vào cho bóng đá. Tuy nhiên, ai cũng biết về lý thuyết thì ông ngồi chỗ đấy nhưng chuyện xắn tay làm ra tiền lại là chuyện của cả một bộ máy mà bây giờ VFF rất cần những người có uy tín đứng mũi.
Trần Quốc Tuấn trở lại theo danh nghĩa người được thuê
Hai nhiệm kỳ làm tổng thư ký dưới thời ông Nguyễn Trọng Hỷ, ông Tuấn là người của Tổng cục được đưa sang và lập tức tạo nhiều mối quan hệ. Ông rất thân với cựu Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ nhưng giai đoạn cuối thì có lúc lại “cơm không lành, canh không ngọt”, đặc biệt là khi ông Hỷ về hưu không còn là người của Nhà nước nữa.
Ông Tuấn cũng có mối quan hệ rất tốt với ông Lê Hùng Dũng và có thể nói việc ông Tuấn có nhiều chỗ đứng như hiện nay là nhờ ông Dũng đứng sau lưng chỉ đường lẫn… chỉ đạo.
Vì thế mà nhiều người “đánh” ông Tuấn nhưng ông Dũng thì lại cứ muốn giữ ông Tuấn sau khi đã vất vả “cài” ông Tuấn vào bộ máy AFC và cả FIFA.
Chính ông Dũng là người từng bảo vệ ông Tuấn khi sa cơ nên không lý do gì ông Dũng lên chủ tịch mà ông Trần Quốc Tuấn lại ngồi ngoài kể cả việc thuê ông Tuấn cũng có cả mặt trái.
Dù sao thì ông Dũng vẫn quan niệm cầu nối giữa bóng đá Việt Nam với AFF, AFC và cả FIFA thì con đường nhanh nhất vẫn là nhờ vào bàn tay và “tài” của Trần Quốc Tuấn nên chắc chắn ông Dũng sẽ tận dụng mối quan hệ này.
Chức chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng một mình một ngựa
Thật là ngoạn mục khi chiếc ghế tưởng khó nhất và nhiều người của nhiều ngành tranh nhất thì nay lại chỉ còn mình ông quyền Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng độc diễn.
Ban đầu Bộ VH-TT&DL đưa Tổng cục phó Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn ngồi vào ghế phó chủ tịch nhưng rõ ràng ông Tuấn không phải là đối thủ của ông Dũng. Ông Dũng ở nhiệm kỳ V và VI là người giữ tay hòm chìa khóa và là người mang tiền về cho VFF hoạt động trong giai đoạn kinh tế khó khăn và nhiều doanh nghiệp, nhiều khách hàng rút lui với bóng đá Việt Nam. Cũng vì thế mà ông Dũng là người “ăn to nói lớn” và có quyền hạn nhất định, kể cả đối với chủ tịch VFF trong giai đoạn ông Dũng còn làm phó.
Ông Dũng cũng là người cải cách mạnh dù có thể là chưa hay khi đánh bạt những cây đa, cây đề điều hành VFF từ nhiệm kỳ I, nhiệm kỳ II, nhiệm kỳ III. Từ đó, ông dựng lên những người trẻ chịu học hỏi và cũng chịu nghe. Cũng chính ông Dũng là người kiên quyết với việc đưa người của VFF tham gia sâu vào các bộ máy điều hành của AFF, AFC và FIFA nhằm cắm rễ và để tạo ra những mối quan hệ cần thiết.
Cũng ông Dũng là người nằm trong VPF nhưng khi phát hiện ra bộ máy VPF lấn quyền khiến VFF mất dần chủ quyền thì ông lập tức thực thi lại quyền bính của VFF. Vì thế mà nói ông Dũng độc tài cũng đúng mà nói ông là người giữ phần lề cho VFF cũng chẳng sai.
Sau khi đưa Tổng cục phó Phạm Văn Tuấn tham gia và tạo ảnh hưởng không thành, giới truyền thông đề cập không ít về nhân vật cao hơn là Thứ trưởng Lê Khánh Hải sẽ ngồi vào ghế chủ tịch VFF và đấu với ông Lê Hùng Dũng. Tuy nhiên, ông Hải sau thời gian xuất hiện với bóng đá và nhìn nhận ra con đường của bóng đá cũng rất nhiêu khê thì dần dần ít xuất hiện. Sau đó thì bộ cũng không còn đề cập đến việc giới thiệu người của ngành tham gia vào bộ máy VFF nữa.
Thế là ông Dũng chỉ còn đơn độc trong vị trí ứng cử chức chủ tịch VFF duy nhất.
Tất nhiên, đó không phải là do ông Dũng may mắn mà là bản thân ông Dũng đã tạo ra được một số thành tựu nhất định, cả ở đường chính thống lẫn các ngạch khác.
Ông Dũng cũng là người lôi kéo được bầu Đức đứng bên cạnh mình công khai ủng hộ và đó chính là số phiếu lớn nhất mà ông Dũng chưa vào cuộc bầu bán đã thắng.
Khi ông Nguyễn Lân Trung không còn đối thủ
Ở vị trí phó chủ tịch phụ trách truyền thông, ông Nguyễn Lân Trung dù hay bị chỉ trích nhưng vẫn có những tài riêng mà đặc biệt là mối quan hệ với một số cơ quan truyền thông được xem là “cạ ruột”.
Ông Trung ở VFF được khen là người quen việc, đặc biệt là cách “đối phó” với báo giới hay soi mói chuyện của liên đoàn. Ông Trung cũng là người ít có kẻ thù kể cả những người chưa ủng hộ cách làm việc và tính cách của ông.
Vị trí của ông Trung từng bị đe dọa trước đại hội khi có hai nhân vật muốn ngồi vào đấy nhưng một thì không phải là đối thủ của ông, còn một thì đã bị “đánh” tơi bời bằng “công cụ độc” với kỳ án “tiền thưởng bóng đá nữ”.
Ông Trung vì thế có thể ung dung tại vị và kê gối ngủ ngon khi bây giờ những người có ý định ứng cử vào ghế phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông đều tuyên bố rút lui sau khi hiểu ra cuộc chơi.
Công tác truyền thông ở VFF thực chất không khó làm bởi người ta không cần làm tốt mà chỉ cần đối phó tốt và ông Trung hội đủ những điều kiện đấy.
Rất khó cho những ai chen chân vào nhất là quanh ông Trung là một bộ máy đang chạy đều cùng ông.
Ghế nhiều bất ngờ nhất vì văn bản của FIFA
Theo tính toán thì ông Trần Quốc Tuấn sẽ làm tổng thư ký kiêm luôn phó chủ tịch phụ trách chuyên môn. Tuy nhiên, mới đây FIFA đã gửi văn bản hướng dẫn và không đồng ý chuyện kiêm nhiệm này nên kiểu gì thì vẫn phải tìm cho bằng được một phó chủ tịch phụ trách chuyên môn.
Đây là một vị trí khó vì lâu nay nó cũng là chỗ yếu của bóng đá Việt Nam, nhất là người tài thực thụ thì không chịu ngồi vào bởi bị chi phối đủ kiểu, còn người kém biết nghe thì không làm được việc.
Đã có tính toán đưa ông Phạm Văn Tuấn ngồi vào đấy vì ông Tuấn từng là cầu thủ đá cho đội tuyển Gia Lai thời Cúp Trường Sơn rồi làm nhà quản lý thể thao. Tuy nhiên, Bộ VH-TT&DL đã trực tiếp rút ông Tuấn ra vì ông Tuấn đang là hàm thứ trưởng mà hàm đấy thì không thể ngồi làm phó cho ông Lê Hùng Dũng (!?).
Việc Bộ VH-TT&DL từng đưa ông Tuấn là phó chủ tịch dưới ông Nguyễn Trọng Hỷ là tính cơ cấu để lên chủ tịch nhưng không thể vì nhiều lý do.
Bây giờ chiếc ghế này lại được xem là có những ứng viên còn lại buộc phải đặt vào trong đó có ông Phan Anh Tú là người từng có lần làm quyền tổng thư ký VFF nhiệm kỳ IV.