Trước một đối thủ Đài Loan thua kém về mọi mặt, dù giành chiến thắng nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn thể hiện một bộ mặt rất đáng thất vọng. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng huấn luyện viên Toshiya Miura không phải là người phù hợp với đội tuyển của chúng ta.
Triết lý bóng đá không phù hợp
Trong trận đấu ra quân tại vòng loại World Cup 2018 – khu vực châu Á, tuyển Việt Nam thất bại 0-1 trên sân Rajamangala, Thái Lan, chúng ta đã thi đấu với lối chơi chặt đinh chém sắt với số pha phạm lỗi nhiều gấp ba lần đối thủ. Nhưng sau trận đấu HLV Miura vẫn tuyên bố: “Tôi không quan tâm tới những lời chỉ trích. Tôi chỉ tập trung vào công việc hiện tại của mình. Tôi cũng sẽ không thay đổi triết lý bóng đá của tôi.”
Trong triết lí bóng đá của HLV Miura, các cầu thủ không cần có kỹ thuật điêu luyện, mà chỉ cần có thể lực tốt, lối đá nhanh và chính xác. Điều đó được thể hiện rõ ở các giải đấu mà ông trực tiếp nắm quyền. Ông thầy người Nhật luôn yêu cầu các cầu thủ phải tìm ra cách để tiếp cận với khung thành đối phương nhanh nhất có thể. Chuyền dài là sự lựa chọn hàng đầu ở mỗi trận đấu của các đội tuyển Việt Nam, không cần biết đó là đối thủ mạnh hay yếu.
Có lẽ ông Miura là người đầu tiên đi ngược lại với phần lớn các HLV từng dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam trong việc lựa chọn nhân sự cho đội bóng. Do thể chất của người Việt Nam, HLV tiền nhiệm luôn hướng đến những cầu thủ có tố chất kỹ thuật thì chiến lược gia người Nhật lại làm điều hoàn toàn ngược lại. Cái được của triết lí Miura là nâng cao thể lực cũng như sức chiến đấu cho các cầu thủ, nhưng cái mất rõ ràng là lớn hơn rất nhiều. Nhìn đội tuyển Việt Nam thi đấu giờ đây, người hâm mộ không khỏi xót xa bởi không được chứng kiến những pha phối hợp nhuần nhuyễn, những tình huống đột phá táo bạo mà thay vào đó là những pha bóng ác ý, đầy bạo lực.
Chưa từng và sẽ không bao giờ là một Huấn Luyện Viên giỏi
Hãy nhắc qua một chút về tiểu sử của HLV sinh năm 1963. Trước khi theo đuổi nghiệp huấn luyện, ông chưa từng tham gia bóng đá chuyên nghiệp, chuyển tiếp từ khoa Y học và giảng dạy thể chất đại học Iwate sang khoa bóng đá đại học thể thao Cologne.
Những năm tháng tu nghiệp ở nước ngoài, chắc chắn Miura chưa thể áp dụng lý thuyết học được trên giảng đường. Vì thế, ông hình thành một thú vui khác: Học làm bình luận viên (BLV). Miura nghiên cứu bóng đá Đức, Hà Lan và Italia và đến năm 1996, theo tờ Voetbal, ông bắt đầu tham gia sản xuất chương trình cho một số trận đấu ở giải hạng nhì Đức hoặc Hà Lan dưới tư cách khách mời. Quay về Nhật Bản, Miura tiếp tục duy trì công việc “tay trái” một cách đều đặn. Chính xác là kể từ World Cup 2010, Miura là cái tên quen thuộc trên màn ảnh nhỏ khi liên tục sắm vai BLV cho đài NHK.
Như vậy, có thể tạm rút ra kết luận: Miura khởi điểm là một BLV. Ngay cả khi đã là một HLV chuyên nghiệp, ông vẫn thường xuyên làm công việc ưa thích. Bằng chứng là trong giai đoạn J-League 1 tạm nghỉ vì World Cup 2010, trong khi các HLV khác chủ yếu tập trung nghỉ ngơi và nghiên cứu đối thủ thì Miura lại đến Nam Phi, không khó hiểu vì sao khi trở về Nhật Bản, Miura đưa Vissel Kobe xuống vực thẳm (đứng hạng 15).
Rõ ràng, “máu bình luận” đã ăn sâu vào tiềm thức Miura. Đây là hai công việc khác nhau hoàn toàn về bản chất, thậm chí là xung khắc nhau. Đơn giản, bởi mục đích của người làm từng nghề cũng trái ngược.
HLV Lê Thụy Hải từng tiết lộ rằng, trong dịp công tác ở Nhật Bản ông đã tìm hiểu kỹ về lý lịch của HLV Miura và cho rằng Miura chỉ là một HLV hạng “xoàng” ở xứ mặt trời mọc và trình độ còn kém xa HLV của các CLB J-League. Ngày càng có nhiều chuyên gia bóng đá nghi ngờ về khả năng cầm quân của HLV Miura, khi họ không thấy một dấu ấn chiến thuật nào ngoài việc chuyền bóng dài cho các tiền đạo tự xoay sở.
Vì giấc mơ vàng SEA Games: Hãy sa thải Miura
Từ khi nắm quyền HLV trưởng U23 Việt Nam, những cầu thủ có lối chơi thiên về kỹ thuật hầu như không HLV Miura trọng dụng. Những trang giáo án dày cộm luôn đòi hỏi cầu thủ phải có nền tảng thể lực sung mãn, lối chơi quyết liệt khiến họ dần hụt hơi với các đồng đội còn lại. Với triết lý này không chỉ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường không được trọng dụng mà có lẽ ngay cả những cầu thủ xuất sắc bậc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam như Hồng Sơn, Văn Sỹ Hùng, Văn Quyến cũng không thể nào thích nghi được. Bởi những bài tập của ông thầy người Nhật chưa thật sự hợp lý khi áp dụng vào các cầu thủ nhỏ con như Việt Nam.
U19 Việt Nam từng gây sốt với người hâm mộ bằng lối đá “thêu hoa dệt gấm”, được so sánh với lối đá tiki-taka ảo diệu của CLB lừng danh Barcelona, gây tiếng vang với các chiến thắng làm nức lòng khán giả. Đây là lứa cầu thủ được người hâm mộ kỳ vọng sẽ làm rạng danh bóng đá Việt Nam trong tương lại gần, là lứa cầu thủ hiếm hoi trong lịch sử bóng đá Việt Nam luôn gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người Thái. Tuy nhiên khi ông Miura lên nắm quyền HLV trưởng U23 Việt Nam, những sao mai đó dần dần rơi rụng sau thời gian tập trung đội tuyển, lần lượt những cầu thủ từng làm mưa làm gió tại giải U19 Đông Nam Á và châu Á lủi thủi trở về CLB với nhiều lí do khác nhau.
SEA Games 29 còn 2 năm nữa mới diễn ra nhưng nếu cứ để Miura làm HLV của tuyển U23 thì lứa cầu thủ được xem là thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam sẽ lụi tàn. Và không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể hoàn thành được giấc mơ vàng Seagame. VFF hãy hành động đi, đừng để người hâm mộ Việt Nam lại phải chờ, lại để nỗi đau thêm dài hơn nữa.