Nhiều người hâm mộ chê trách thái độ lạnh lùng của Man City, nhưng có lẽ bóng đá Việt Nam cần học tập chính thái độ đó. Bởi nó thể hiện tính chuyên nghiệp cực cao.
Bóng đá Việt Nam thu được gì sau trận đấu giao hữu với Man City. Bài học chuyên môn? Chắc chắn không có bài học nào to tát ở đây. 90 phút chịu trận một cách đơn giản chỉ cho thấy một điều: chất lượng bóng đá của chúng ta còn tệ hơn chúng ta nghĩ.
Không thu được kinh nghiệm chuyên môn, nhưng đội tuyển Việt Nam, và xa hơn là cả nền bóng đá Việt hoàn toàn có thể nhìn vào Man City để học tập phương thức và thái độ làm việc hết sức chuyên nghiệp của họ.
Một ngày sau khi Man City đến Việt Nam du đấu, đoạn video ngắn quay lại cảnh một phóng viên cố gắng yêu cầu các ngôi sao áo xanh nói “Hi Việt Nam”… nhưng không được đáp ứng. Đám đông nhanh chóng chỉ trích Man City thiếu thân thiện, lạnh lùng và kiêu ngạo.
Nhưng thực tế? Họ chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp vốn có. Đó là con đường dẫn họ vào phòng nghỉ ở khách sạn sau một chuyến bay dài mệt mỏi và trong lịch trình, họ không có yêu cầu phải trả lời bất cứ ai ở hoàn cảnh và thời điểm tương tự, chứ đừng nói đến việc phải “nhại” theo một anh chàng mà họ thậm chí… không biết là ai. Man City chuyên nghiệp, trong khi chính anh chàng cố gắng yêu cầu họ chào Việt Nam kia mới là kẻ thiếu thân thiện và có phần… vô duyên.
Cần nhắc lại một chút, sang Việt Nam du dấu chỉ là kế hoạch “chữa cháy” của Man City sau khi hủy bỏ chuyến đi đến Indonesia. Các thành viên của đội bóng này gần như không được tìm hiểu trước về Việt Nam hay chuẩn bị trước cho chuyến du đấu này giống như Arsenal cách đây 2 năm. Chính vì thế, việc họ bỡ ngỡ, hay tạo cảm giác xa lạ là điều rất dễ hiểu.
Sau đó, sự chuyên nghiệp của Man City tiếp tục thể hiện trên sân tập. Họ đến đúng giờ một cách đáng ngạc nhiên. Tất cả các đạo cụ cần thiết đều có một bộ sậu chuyên trách. Các huấn luyện viên và cầu thủ chỉ ra sân làm việc của họ: đó là huấn luyện và tập luyện. Sự chuyên nghiệp ở đây thể hiện ở việc phân công công việc rõ ràng và cụ thể. Mỗi người đều có trách nhiệm riêng và được (phải) tập trung làm tốt trách nhiệm đó. Không có bất cứ sự chồng chéo nào và đây chính là điều mà các CLB cũng như bóng đá Việt Nam cần học tập để phát triển.
Cuối cùng, là sự chuyên nghiệp trên sân đấu. Trong khi nhiều cầu thủ của Việt Nam bị đánh giá là “hời hợt”, thì các cầu thủ Man City, đặc biệt là các cầu thủ trẻ đều thi đấu rất tập trung và chắt chiu từng cơ hội lên bóng. Họ không thể hiện bất cứ sự chủ quan, khinh thường đối thủ nào ở đây dù đội bóng của Miura yếu hơn thấy rõ. Để có 3 bàn thắng đầu tiên, Man City chỉ cần 4 cú dứt điểm, trong đó 1 cú “ra ngoài” chính là pha đánh đầu trúng xà ngang của David Silva.
Trong khi đó, thái độ thi đấu của cầu thủ Việt luôn luôn bị đặt dấu hỏi. Từ cấp CLB đến cấp độ quốc gia, từ giao hữu cho đến đá giải. Việc treo thưởng quá nhiều đôi khi tạo nên thói quen xấu. Có thưởng cao thì đá “nhiệt”, không thì đá “giữ chân”… Rất nhiều người bất ngờ khi biết Văn Quyết được thưởng 10 nghìn USD và 100 triệu VNĐchỉ nhờ một bàn thắng vào lưới Man City, trong khi tuyển Việt Nam thất bại đến 1-8!
Nếu thủ môn và các hậu vệ cũng được thưởng lớn khi giữ sạch lưới, hoặc thua ít hơn 3 bàn, 5 bàn? Có lẽ Man City sẽ có một trận khổ chiến tại Mỹ Đình.
Để có một nền bóng đá mạnh, người ta không chỉ cần các tài năng. Họ còn cần có sự chuyên nghiệp và thái độ làm việc nghiêm túc một cách “mặc định”. Mặc định phải vậy, từ những cấp độ nhỏ nhất cho đến các cấp độ cao nhất. Từ cầu thủ đến các nhà quản lý. Từ sân bóng cho đến các cơ quan tổ chức. Chính vì thế, nếu bóng đá Việt thu được điều gì sau chuyến du đấu của Man City thì đó chính là sự chuyên nghiệp. Tất nhiên, chúng ta có học tập được điều đó hay không lại là câu chuyện hoàn toàn khác.