Thảm bại 0-6 trước U19 Hàn Quốc cho thấy giấc mơ vươn tầm châu lục của U19 Việt Nam vẫn còn xa vời và chông gai lắm. Một loạt hạn chế đã được bộc lộ ra trong đó việc bố trí Tuấn Anh và Xuân Trường đá tiền vệ trung tâm thực sự là một yếu điểm và cũng làm hạn chế tài năng của họ.
Trước tiên phải thừa nhận Tuấn Anh và Xuân Trường chính là những tài năng nổi bật của lứa U19 Việt Nam hiện nay. So với những lứa trước đây, Tuấn Anh và Xuân Trường sở hữu kĩ năng giữ bóng, phát động tấn công và tầm quan sát vượt trội hơn nhiều. Cái thiếu của họ vẫn là sự cơ bắp và thể lực vẫn đang cần hoàn thiện thêm từng ngày.
Trong khi Tuấn Anh rất mạnh ở kĩ năng điều tiết nhịp độ, chuyền ngắn thì Xuân Trường lại có sở trường ở những cú phất bóng tầm xa có độ chính xác cực lớn, những đường chọc khe sắc lẹm cùng với những cú sút phạt thần sầu ở nhiều cự ly. Có thể nói ở tầm Đông Nam Á, việc bố trí bộ đôi này cùng ra sân đã khiến lợi thế ít nhiều nghiêng về phía U19 Việt Nam bởi khả năng kiểm soát khu trung tuyến hoàn hảo của bộ đôi này. Nhưng ở tầm châu lục, đó là một câu chuyện hoàn toàn khác.
U19 Việt Nam hiện tại dù thường ra sân với 2 tiền đạo là Văn Toàn và Công Phượng nhưng đội trưởng của U19 Việt Nam có xu hướng đá lùi hơn nên có thể hình dung được là ông Greachen đã bố trí sơ đồ 4-2-3-1 chứ không phải là 4-4-2. Hai cầu thủ đá thấp nhất hàng tiền vệ chính là Tuấn Anh và Xuân Trường. Ở những trận đấu đẳng cấp cao, đối thủ cứng cựa nhiều yếu điểm ở vị trí tiền vệ trung tâm này đã được bộc lộ rất rõ.
Tuấn Anh và Xuân Trường, những tài năng nổi bật của lứa U19 Việt Nam hiện nay. Ảnh: Internet |
Nếu sử dụng sơ đồ này ít nhất 1 trong 2 cầu thủ đảm nhận vị trí trên phải là một CDM tức là một tiền vệ phòng ngự với nhiệm vụ ngăn chặn các đợt tấn công của đối phương, trực tiếp cản phá, giúp đồng đội cản phá, bọc lót cho các tiền vệ, hậu vệ khi họ lên tấn công chưa lui về kịp, gây sức ép khiến đối phương khó tấn công trực diện,… nhưng Tuấn Anh và Xuân Trường lại không có được những kĩ năng đó một cách hoàn hảo bởi cả 2 thích hợp với vai trò một tiền vệ trung tâm (CM) hơn là CDM, thậm chí Tuấn Anh với kĩ thuật tuyệt vời của mình còn có xu hướng là một tiền vệ trung tâm tấn công (CAM) hơn là việc phải đi cản phá người khác.
Điều này đã khiến trong nhiều trận đấu với các đối thủ lớn gần đây, U19 Việt Nam liên tục để lộ ra một khoảng trống mênh mông phía trên 2 trung vệ và bị đối phương nhanh chóng khai thác triệt để mà không có giải pháp để chống đỡ. Ở các câu lạc bộ lớn trên thế giới đá sơ đồ này, họ thường có những quái vật để khỏa lấp vị trí ấy như Matic (Chelsea), Fernandinho (Man City), nếu không cũng là một tiền vệ cực kỳ tinh ranh và ma quái như Butquest (Barcelona) hay Xabi Alonso (Bayern Munich). Ở đây minh chứng rõ nhất cho trường hợp tương tự U19 Việt Nam chính là Arsenal. Đội chủ sân Emirates sở hữu rất nhiều tiền vệ tấn công xuất sắc nhưng không có một máy quét đúng nghĩa thì cũng nhanh chóng vỡ vụn trước các đội bóng già dơ, đẳng cấp hơn.
Nếu không muốn hy sinh 1 trong 2 vị trí Tuấn Anh và Xuân Trường thì phải có một cầu thủ quét phía sau bộ đôi này. Cầu thủ lý tưởng nhất chính là Đông Triều bởi với chiều cao 1m70 việc để cầu thủ này đá trung vệ cũng là điều bất lợi cho hàng thủ đội nhà. Đông Triều có khả năng quét trụ, điều phối và phán đoán tình huống khá tốt. Nhưng nếu sử dụng thêm Đông Triều thì phải hy sinh một vị trí ở hàng tấn công. Khi đó bộ đôi Tuấn Anh – Xuân Trường sẽ được đẩy lên cao hơn và thoải mái phát huy tài năng của mình.
Hiện tại ở U23 Việt Nam, có một cầu thủ là Hoàng Thịnh của SLNA là cầu thủ hội đủ nhiều tố chất lý tưởng cho vị trí này. Trong tương lai nếu biết kết hợp các nhân tố ở cả U19 và U23 Việt Nam thì điều đó sẽ tạo thành một đội bóng cực kỳ nguy hiểm và có thể nói là công thủ toàn diện. Khả năng của Tuấn Anh và Xuân Trường thì ai cũng thấy rõ, chỉ là hãy cho họ một điểm tựa vững chắc để họ rảnh chân tỏa sáng mà thôi.