Ai cũng biết World Cup 2014 là sự kiện bóng đá thu hút sự quan tâm nhất trong vòng hơn 1 tháng tới. Vậy nhưng, các nhà tổ chức V-League đã đưa ra một quyết định khá mạo hiểm là vẫn cho V-League và Cúp quốc gia thi đấu giữa mùa World Cup, dù biết chắc là sẽ … thất bại về mặt khán giả và truyền thông.
Đá kiểu V-League đụng đâu khó đó
Hôm nay (28.5), V-League “bỗng nhiên” có một trận đấu - giữa những anh em HN T&T và SHB.Đà Nẵng. Xét về lực lượng và thành tích có được gần đây thì trận này khá đáng xem. Thế nhưng, theo giới chuyên môn, thì dù có sự nỗ lực của "Táo giao thông" Chí Trung trong vai trò Chủ tịch Hội CĐV HN T&T, thì khả năng “hút khán giả” ở trận này là gần như không có.
Sở dĩ HN T&T cứ phải đấu muộn là vị họ vướng AFC Cup. Cũng chính vì muốn cho các đại diện của VN “rảnh chân” đá AFC cũng như để đội tuyển tập trung, nên khi xếp lịch, BTC V-League quyết định “nén” giải lại để kết thúc trong tháng 8. Điều này đồng nghĩa là, V-League sẽ có ít nhất 3 vòng đấu (vòng 18,19,20) trùng với thời gian diễn ra World Cup (từ 13.6 đến 14.7).
Lãnh đội Hải Phòng bức xúc vì công tác trọng tài. ảnh: Quang Thắng |
Cách đây 4 năm, khi World Cup diễn ra ở Nam Phi, V-League 2010 cũng rơi vào cảnh tuột dốc không phanh về khán giả với 3 vòng đấu “cạnh tranh” với World Cup. Nếu như trước World Cup 2010, lượng khán giả đến sân là 90.000 người/ lượt, trung bình 13.000 người/ trận, thì trong dịp World Cup, số khán giả đã giảm 60%, chỉ ở mức 5.000 khán giả/ trận.
Không cần khán giả?
Đối với một số sân đấu có lượng khán giả đông từ đầu mùa, việc V-League đá trùng với World Cup sẽ khiến họ sụt giảm doanh thu tiền vé. Đó cũng là một phần lý do khiến Thanh Hóa không chấp nhận yêu cầu của VPF và B.Bình Dương là lùi trận “đại chiến” Thanh Hóa - B.Bình Dương từ 12.6 sang 14.6 theo yêu cầu của B.Bình Dương. Ngày 14.6 cũng là ngày World Cup đã chính thức khai cuộc và hiển nhiên Thanh Hóa không muốn mất một khoản thu đáng kể từ tiền vé. Vì vậy, ngày 26.5, Thanh Hóa đã yêu cầu giữ đúng lịch thi đấu ngày 12.6 (trước khai mạc World Cup 1 ngày). Tất nhiên, BTC V-League phải chấp nhận.
Chưa cần tính tới chuyện World Cup hút khán giả của V-League, giải đấu này đã thất bại và mất lòng tin ở khán giả bởi nhiều lý do, trong đó có sự kiện V.Ninh Bình “bỗng nhiên” bỏ giải khiến giải đấu bị xáo trộn. Chưa kể ở một số vòng đấu gần đây, vấn đề trọng tài lại nổi lên (trên sân Vinh, sân Lạch Tray vòng 16 vừa qua) đã khiến khán giả “ngán” V-League.
Trong trận đấu được coi là “đại chiến” SLNA - SHB.Đà Nẵng cách đây mấy ngày, chính HLV Hữu Thắng cũng phải thốt lên: “Báo động thật rồi, đá như thế này thì khán giả bỏ hết”. Người Nghệ An vốn hâm mộ bóng đá, nhưng cũng chỉ có 2.000 khán giả tới sân Vinh, thì đúng là đáng “báo động”.
Ông trưởng BTC giải - chuyên gia người Nhật Nakata Koji - cũng tỏ ra khá ngạc nhiên về cách bố trí lịch thi đấu ở VN: Đá dồn trong 7 tháng - từ tháng 1 đến tháng 8 - sau đó nghỉ một mạch 5 tháng cho ĐTQG thi đấu và tập trung, đã tạo ra sự lãng phí và bất hợp lý. Ông Koji cũng hiến kế rằng để khắc phục điều này, cần tăng số đội và tăng số lượng các trận đấu. Đây lại là điều VFF, VPF chưa dám nghĩ tới, khi mà đến hết giải không thêm đội nào “bất ngờ bỏ giải” đã được coi là về đích an toàn.