Bầu Đức tâm sự “nói trước bước không qua” nhưng ông bảo mình đã nhận lời vào ngôi nhà chung VFF thì sẽ làm tới nơi tới chốn…
Ngay lời nói đầu tiên, bầu Đức đã nhắn nhủ rằng ông miễn cưỡng ngồi vào ghế phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính - tài trợ.
Bầu Đức bộc bạch: “Tôi nói thật công việc kinh doanh không chỉ ở Việt Nam đã làm mình tất bật như gà mắc đẻ rồi. Sự sống còn của Tập đoàn HA Gia Lai trông cậy vào tôi thì hơi sức đâu tôi phải làm việc cho VFF. Thế nhưng nói thẳng ra khoảng năm năm nay, bóng đá Việt Nam có ra gì đâu. Nhớ hồi tôi mới làm bóng đá, khán giả đến sân coi rần rần, cầu thủ đá sướng lắm. Bây giờ bóng đá không ai coi và nếu tình trạng này cứ tiếp diễn là chết.
Bản thân tôi luôn đam mê bóng đá bởi bóng đá cho mình nhiều thứ. Cho nên tôi muốn trở lại, ít nhất trong vòng 3-5 năm làng bóng sẽ mang một bộ mặt khác, tích cực hơn.
Thật sự ai cũng thấy bóng đá Việt Nam đang đi xuống nhưng không ai muốn làm và không dám làm. Thế thì những người bỏ sức làm bóng đá trẻ như công dã tràng. Thôi thì tôi liều mạng làm một lần đi, làm hết mình, không vụ lợi thì sợ gì ai. Tôi muốn cùng anh em xốc lại làng bóng Việt Nam trở lại thời hoàng kim và tôi chắc chắn một điều ai không dũng cảm, không lì lợm thì làm không nổi.
Bầu Đức báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa phải). Ảnh: QUANG THẮNG |
Hãy nhìn vào thực trạng bóng đá Việt Nam hiện nay quá thiếu chuyên nghiệp, từ trọng tài, cầu thủ đến cả lãnh đạo VFF cũ và thậm chí là báo chí. Có khoảng 20% nhà báo vô thưởng vô phạt, có nhiều định hướng không tốt. Tôi nghĩ VFF và báo chí thời gian dài vừa qua chưa hiểu nhau và điều này khiến người hâm mộ hiểu sai cũng góp phần làm làng bóng tan nát rồi đi vào cái vòng luẩn quẩn. Báo chí đôi khi “đánh đập” một cách dã man, trong khi ở mình thì chuyên gia nhiều quá, 100 ông có ngay 100 ý.
Lần này anh Lê Hùng Dũng làm chủ tịch VFF, tôi làm phó sẽ không để chuyện hiểu lầm nhau xảy ra nữa. Mình không nên giấu giếm điều gì, trên tinh thần trao đổi thẳng thắn và cùng nhau góp ý xây dựng, không sợ gì cả.
Điều đầu tiên chúng tôi cần làm ngay là diệt cái đám trọng tài xấu, đồng thời triệt tiêu luôn đội ngũ giám sát vô trách nhiệm cứ ghi biên bản hoàn thành nhiệm vụ rồi lấy tiền. Những phần tử này còn tồn tại thì bóng đá Việt Nam chết chắc luôn.
Tại sao ai cũng thấy điều này là xấu mà lãnh đạo VFF cũ không làm nổi. Bởi họ ngại đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến nồi cơm, ngán mất lòng cấp trên…
Hồi trước, VFF hay nói bỏ trọng tài thì lấy ai làm, hay việc không đủ đội đá V-League thì sao. Tôi cho rằng nói thế là vớ vẩn hết. Không có trọng tài thì đào tạo bác sĩ, kỹ sư làm hoặc mời trọng tài nước ngoài, không đủ 14 đội thì đá 9-10 đội, không cần phải năn nỉ ai hết.
Thứ hai là bạo lực sân cỏ của mấy đứa cầu thủ du côn cũng diệt tận gốc. Đừng có bao biện là chơi quyết liệt mà không cần biết ranh giới thô bạo mới hấp dẫn. Điều này cũng liên quan đến trọng tài, vì nếu cứ rút vài thẻ đỏ dằn mặt đúng luật thì đội bóng mất quân phải lo chứ.
Vấn đề then chốt vẫn là đào tạo trẻ. VFF làm sao để bóng đá phải là một môn nghệ thuật. Cầu thủ ra sân phải đá bằng cái tâm, đá thật và không mất dạy. Tôi hy vọng 5-6 năm nữa, lứa cầu thủ mới sẽ làm được điều đó.
Có nhiều người hỏi tôi rằng ông vừa đá bóng vừa thổi còi liệu có ổn không. Tôi nói ngay là HA Gia Lai không cần vô địch. Bóng đá chuyên nghiệp là phải có nhiều tiền, các giải thế giới cũng thế thôi. Mà tiền thì tôi đâu có thiếu, cho nên muốn vô địch dễ lắm.
Đầu tháng 4, VFF sẽ họp Ban Chấp hành ở TP.HCM, tôi sẽ nói thẳng với Ban Trọng tài, trong đó có hai nhân vật trong Ban Chấp hành là chỉ cần trọng tài làm đúng thì không sợ ai cả. Ai thổi bênh vực HA Gia Lai thì càng chết nữa, tôi sẽ xử ngay để làm gương. Tôi đưa ra mốc thời gian ba tháng, nếu đội ngũ trọng tài không tốt lên thì ban lãnh đạo trọng tài phải đi.
Điều quan trọng nhất khi tôi ngồi ghế phó chủ tịch VFF là tìm cách xây dựng và nâng cao hình ảnh của đội tuyển Việt Nam trở thành niềm tự hào của dân tộc.
Tôi có nói với anh Dũng nếu anh em mình lần này mà không làm được thì nên từ chức cả lũ đi. Theo tôi, hậu quả lớn nhất của bóng đá Việt Nam là lãnh đạo VFF không dám làm tới nơi tới chốn. Còn bọn tôi nhảy vào làm không lương, không thưởng, không địa vị, không “ăn uống” của ai thì sợ gì."
|