1. Có thể nói, lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam tham gia một giải đấu khu vực mà yếu tố tinh thần không còn là vũ khí quan trọng nhất. Nếu có, đó chỉ là sự tự ái, khao khát muốn chứng tỏ mình của các cầu thủ khi nhận được sự thờ ơ của khán giả nhà. Đây là một trường hợp tương tự kỳ AFF Cup 2008. Lúc đó, đội tuyển do ông Calisto huấn luyện chịu nhiều áp lực khi đá 11 trận liên tiếp không biết đến mùi chiến thắng.
Yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam đánh bại Philippines và giành ngôi đầu bảng A thuần túy về chuyên môn. Cách chơi của đội tuyển Việt Nam trong trận đấu này khác hoàn toàn những gì đã diễn ra ở 2 trận trước đó. Thay vì tấn công biên hay chuyền dài, thì chủ yếu tập trung cho các đường chuyền nhanh ở khu trung lộ và tận dụng tối đa các quả sút xa. Đội hình ra sân cũng là sự hòa quyện giữa 2 đội hình đã sử dụng trước đó. Điều này có nghĩa, đội tuyển Việt Nam có thể thay đổi cách chơi tùy từng đối thủ. Để thi đấu được như thế, các cầu thủ phải có tư duy chiến thuật cao và quá trình tập luyện hết sức khoa học.
Tuyển Việt Nam đang tiến từng bước vững chắc đến mục tiêu vô địch AFF Suzuki Cup 2014. Ảnh: QUANG THẮNG |
Trong cách chơi của đội tuyển bóng đá Việt Nam, không có chỗ cho việc tùy hứng hay những pha xử lý mang tính cá nhân. Tất cả đều phải phục vụ ý đồ chiến thuật. Đây chính là điều đặc biệt mà HLV Miura đem lại cho một đội bóng bị đánh giá là có chất lượng kém nhất từ trước đến nay.
2. HLV Miura là người Nhật Bản, nhưng thứ bóng đá mà ông hấp thụ lại từ nước Đức khi ông có nhiều năm tu nghiệp tại đại học thể thao danh tiếng Cologne, sau khi chấm dứt sự nghiệp thi đấu. Điều này ảnh hưởng đến phong cách cầm quân của HLV có vẻ ngoài thư sinh này. Đấy là sự tổng hòa của tính khoa học của bóng đá Đức và sự cần cù trong tập luyện theo trường phái Nhật Bản. Cả 2 yếu tố đó chưa từng có ở bóng đá Việt Nam, nơi vẫn yêu thích sự đẹp mắt của lối đá kỹ thuật nhưng ít hiệu quả, quá lệ thuộc vào yếu tố tinh thần.
Chính ngôi sao Lê Công Vinh thừa nhận, với HLV Miura thì chẳng có ngoại lệ nào. Những cầu thủ chỉ được ra sân nếu thể hiện được năng lực trên sân tập. Không có sự khác biệt nào giữa tập và thi đấu nên bất kỳ sự lơi lỏng nào cũng sẽ khiến cầu thủ bị gạch tên khỏi đội hình chính thức. Nhờ phương pháp làm việc này mà đến nay, ông Miura đã dùng đến 20/22 cầu thủ mà không gặp một trở ngại nào, vì cầu thủ đã biết khi vào sân mình nên chơi thế nào.
3. Với chiếc vé đầu bảng vào bán kết, mục tiêu vô địch mà ông Miura khẳng khái nhận trách nhiệm trở nên hoàn toàn khả thi. Quan trọng hơn, khác với những kỳ giải trước, thành công của đội tuyển Việt Nam đến lúc này không dựa trên sự may mắn mà rõ ràng là “tiến bước nào, chắc bước đó”, càng đá càng hay. Nhờ khả năng điều chỉnh chiến thuật, xoay tua đội hình mà khi vào đến bán kết, Việt Nam vẫn có đủ lực lượng tốt nhất trong khi vẫn giấu được những vũ khí bí mật của mình.
Khi không còn phải trông chờ vào yếu tố tinh thần, đội tuyển bóng đá Việt Nam do HLV Miura dẫn dắt, người hâm mộ đã yên tâm hơn. Đó là cách tốt nhất để lấy lại niềm tin của họ.