VFF tìm HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia (ĐTQG) và tuyển U23 quốc gia là vấn đề thời sự nóng bỏng. Theo tiết lộ của Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn, VFF đã có một danh sách rút gọn các HLV để cân nhắc lựa chọn.
Bất ngờ là trong danh sách này có 2 cái tên rất quen thuộc gồm cựu tuyển thủ Pháp Marcel Desailly và cựu HLV trưởng đội tuyển Malaysia - ông Rajagopal. Đây là bất ngờ lớn bởi cách đây chưa đầy 1 tháng, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tại Đại hội VFF nhiệm kỳ 7 đã khẳng định: “VFF lựa chọn HLV Nhật Bản để dẫn dắt ĐTQG”.
Ông Tuấn khẳng định LĐBĐ Nhật Bản đã gợi ý cho Việt Nam rất nhiều ứng viên nhưng để cuộc lựa chọn được công bằng, VFF đưa cả vào danh sách những HLV tự ứng cử cũng như những nhà cầm quân được VFF cho là đáp ứng tốt nhất tiêu chí trở thành HLV trưởng ĐTQG. Theo tiết lộ của một thành viên Hội đồng HLV quốc gia, danh thủ Pháp Desailly là trường hợp tự ứng cử, còn Rajagobal với thành tích đưa Malaysia vô địch SEA Games 2009 và vô địch AFF Cup 2010 được một số người trong Thường trực VFF tiến cử.
Cựu danh thủ tuyển Pháp - Desailly muốn dẫn dắt tuyển Việt Nam |
Không lạ lẫm gì khi mỗi lần VFF tìm HLV trưởng cho ĐTQG, vẫn có những tên tuổi lớn ứng thí. Năm 2011 là cựu danh thủ người Bulgaria H. Stoichkov và lần này là cựu tuyển thủ Pháp từng vô địch World Cup 1998 lẫn Euro 2000. Không cần phải nói về độ nổi tiếng cũng như bảng thành tích của những Stoichkov hay Desailly khi còn là cầu thủ nhưng điểm chung của họ là chưa có kinh nghiệm dẫn dắt ĐTQG và yêu cầu mức lương cao mà VFF không thể đáp ứng.
Nhìn lại những lần VFF tìm HLV gần đây luôn thấy có những bất ngờ không nhỏ và ở đó định hướng cũng như triết lý VFF thay đổi liên tục xoay quanh những HLV trưởng. Hồi HLV Falko Goetz được chọn năm 2011, VFF nói rằng bóng đá Đức với tính kỷ luật và tinh thần thép là sự lựa chọn phù hợp với ĐTQG. Triều đại ngắn ngủi của ông Goetz kết thúc, VFF khẳng định phải để “thầy” nội cầm quân chứ không thể chạy theo “thầy” ngoại nhưng 2 HLV nội sau Falko Goetz rồi cũng đã phải lần lượt khăn gói ra đi.
Bây giờ, những người đi tìm HLV ở VFF lại khẳng định chỉ có “thầy Nhật” mới là sự lựa chọn tốt nhất vào lúc này nhưng khi các thành viên Hội đồng HLV quốc gia nhìn vào bản danh sách ứng viên Nhật Bản thì họ thốt lên: “Không có HLV Nhật Bản nào nổi bật”. Thế là cuộc tìm kiếm buộc phải đưa vào cả những cái tên khác bởi theo lãnh đạo VFF “có nhiều sự lựa chọn bao giờ cũng tốt hơn”.
Có một điều chỉ những HLV từng trải nghiệm mới hiểu: Họ là “thầy” nhưng trên họ còn có những ông “thầy” khác. Trong cơ chế tìm “thầy”, lẽ ra quyền quyết định thuộc vào Hội đồng HLV quốc gia nhưng trên thực tế hội đồng này chỉ đề ra ý kiến mang tính tham khảo để VFF quyết. Có bức bình phong “Hội đồng HLV quốc gia”, việc tìm thầy nếu có sai lầm thì tội vạ không đổ hết lên đầu các “thầy” ở VFF được. Nhiều HLV nội tài năng từ chối dẫn dắt đội tuyển vì quá hiểu môi trường ấy.
Thực ra, VFF đã từng đề ra nhiều chủ trương đúng đắn như chọn HLV nội hay tìm HLV Nhật Bản và không chạy theo thành tích. Nhưng vấn đề là từ chủ trương đến thực tế ở VFF luôn có một khoảng cách. “Thầy” nội thì chưa bao giờ nhận được sự tôn trọng như họ cần phải có, còn “thầy” ngoại chưa ai trụ nổi nếu không có thành tích.