Vậy là giấc mơ tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của chúng ta đã tan thành mây khói, khi mà những cô gái chúng ta thất bại 2-1 trước tuyển nữ Thái Lan. Cơ hội chỉ đển một lần và chúng ta đã đánh mất nó, vậy lí do vì sao chúng ta lại đánh mất đi cơ hội để bóng đá Việt Nam lật sang một trang khác?
1. Chiến thuật sai lầm
Nhiều người rất ngạc nhiên khi HLV Trần Vân Phát tung ra đội hình 5-3-2. Ý đồ của HLV người Trung Quốc rất rõ ràng, bộ 3 trung vệ lo phòng ngự, hai tiền vệ biên sẽ dâng cao tấn công, tạo sự đột biến, tuy vậy, đó là một chiến thuật hoàn toàn sai lầm.
Ba trung vệ chỉ kèm một trung phong cắm, trong khi hai hậu vệ biên cũng không thể tham dự tấn công mà phải tập trung cản phá những pha đi bóng từ hai biên của đội khách, quá tập trung cho phòng ngự, nên tuyển Việt Nam có rất ít cầu thủ có thể tham gia tấn công, vì phần điều lo tập trung phòng ngự sâu ở phía dưới, và nếu có phản công thì điều bị hàng tiền vệ Thái Lan bẻ gãy một cách dễ dàng.
Thực tế trên sân đã cho thấy, dù phòng ngự với số đông nhưng vẫn không thể ngăn cản được bàn thua. Nếu ông Trần Vân Phát tung ra sân với đội hình 4-4-2 quen thuộc, nắm giữ khu vực trung tuyến thì có lẽ mọi chuyện đã khác.
Đội tuyển nữ Việt Nam đã đánh mất cơ hội trăm năm có một để dự World Cup. |
2. Áp lực tâm lí
Lợi thế sân nhà và thi đấu dưới sự cổ vũ của khán giả nhà luôn là lợi thế cho mọi đội bóng, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi, nếu ta không biết tận dụng nó thì vô tình sẽ biến thành áp lực cực lớn và tuyển Việt Nam đã không thể tận dụng được lợi thế của mình.
Chưa bao giờ tuyển Việt Nam thi đấu một trận đấu “lớn” và dưới sự cổ vũ của hàng vạn khán giả trên khán đài như trận đấu vừa qua. Sức ép và kì vọng là cực kì lớn, điều đó đã tạo nên một áp lực tâm lí lên các cô gái, làm cho đôi chân các nữ tuyển thủ thêm nặng nề, những pha đi bóng bế tắc, những cú chuyền bóng sai địa chỉ đã nói lên tất cả. Có lẽ, toàn đội đã tập luyện những pha bóng chiến thuật nhuần nhuyễn, tập sút penaty thành thục nhưng họ vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng tâm lí cho trận đấu.
3. Sự đầu tư sai lầm
Khác với tuyển nữ Thái Lan, các cô gái Việt Nam được sự đầu tư quá thấp, sân tập thì không đạt chuẩn, lương thưởng thì bèo bọt, điều kiện sinh hoạt và tập luyện chỉ ở mức trung bình, chỉ khi nào sắp đá giải thì cơ may mới đi tập huấn ở Trung Quốc hay cao nhất là Nhật Bản một hai tuần, đó là chưa kể họ còn chưa biết cuộc sống mình thế nào sau khi giã từ nghiệp quần đùi áo số.
Ngoài một vài tháng tập trung thi đấu cho đội bóng chủ quản hay cho tuyển quốc gia, các cô gái phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh của mình, khác với các đồng nghiệp nam, các nữ cầu thủ không thể làm “giàu” nhờ nghiệp quần đùi áo số, ngoài bóng đá họ còn phải làm thêm các việc như buôn bán, làm ruộng để trang trải thêm cuộc sống.
Còn với Thái Lan, họ thậm chí còn ưu tiên tuyển nữ hơn cả nam, mỗi năm ngoài việc tập trung tập huấn từ một đến hai tháng ở các trung tâm bóng đá mạnh, họ còn mời các chuyên gia Hàn Quốc hay Nhật Bản về chỉ đạo hướng dẫn, các cô gái Thái Lan còn được tạo mọi điều kiện về mặt vật chất, không phải bận tâm đến việc ngoài lề, họ chỉ tập trung cho việc tập luyện và thi đấu để đạt được kết quả cao.
Và khi phát hiện ra một tài năng, ngay lập tức, họ lập tức cho tài năng ấy đi tập luyện và thi đấu ở những môi trường bóng đá phát triển cao như Nhật hay Hàn Quốc, mà Sung-Ngoen là một ví dụ điển hình.
Và nhẩm đi tính lại, những nhà quản lí bóng đá chúng ta đã đi chậm hơn người Thái một bước, ngay từ khâu xuất phát chúng ta không chuẩn bị tốt và đến giai đoạn nước rút chúng ta thiếu đi những bước đi quyết đoán, nên thất bại là điều dễ hiểu.