Cái trục trặc lớn nhất của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam không chỉ nằm ở chỗ tân binh thăng hạng thì xuống mau mà là xuống rồi, họ… đi luôn. Từ năm 2008 đến nay có Bình Định, Kiên Giang, Sài Gòn Xuân Thành, TPHCM. Trước đó có thể kể trường hợp của Huế, Nam Định. Ngay ở giải hạng Nhất, dù chi phí không nhiều bằng V-League, nhưng cũng đã có các đội “biến mất” như Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Nếu V-League là đỉnh cao, là cái kết hoàn hảo một quá trình phát triển của một đội bóng thì rõ ràng, cái đích ấy không có chút nền tảng nào. Nếu các CLB đang đá hạng Nhất còn không đủ năng lực duy trì sự tồn tại của mình thì họ phát triển như thế nào? Họ có thể thăng hạng nhưng việc lên V-League khi đó giống như cú rướn cuối cùng chứ không phải là việc họ đi đến đích. Vì “rướn” nên chỉ cần “đứt hơi” thì “chết”.
Xuân Thanh Sài Gòn |
Thế nên, nếu phải làm lại bóng đá Việt Nam thì nơi cần phải bắt đầu chính là giải hạng Nhất, nơi đang thừa nhiệt tình nhưng… thiếu đủ thứ. Có lẽ đã đến lúc VFF nên nghiên cứu bỏ giải hạng Nhì khi giải đấu này không thực hiện được tính chất “bước đệm” giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp của mình.
Các đội từ hạng Nhì lên hạng Nhất hầu như không đủ khả năng lên V-League trong khi hạng Nhất hiện nay cũng chẳng khác mấy hạng Nhì với số trận ít ỏi trong một năm. Trong hoàn cảnh đó, duy trì làm gì một giải đấu cho lãng phí. Nếu gom 2 giải này thành 1, thì cái chân đế cho V-League sẽ được phình to và tạo thêm động lực cho các đội bóng cạnh tranh suất lên V-League.
Cứ áp dụng mô hình một cách máy móc, giải đấu nào cũng có đội tham gia cứ phân tán nhỏ, lẻ như hiện nay thì có cũng như không.
Thiết nghĩ, với hơn hai chục đội đá hạng Nhất, trải qua một mùa giải dài và khốc liệt, đội nào thăng hạng V-League sẽ phải được đầu tư lớn và có quyết tâm thực sự. Chứ như hiện nay, có 8 đội hạng Nhất thì cạnh tranh ra sao?