"Người không phổi" được ghi nhớ không chỉ bởi tài năng mà còn nhờ sự cống hiến hết mình trong 13 năm khoác áo Chelsea.
Sau một mùa giải trắng tay cùng Chelsea và một kỳ World Cup thất bại của đội tuyển Anh, tiền vệ Frank Lampard đã ký hợp đồng chuyển tới New York City FC. Đây là một sự chia tay đem lại nhiều cảm xúc với với những cổ động viên của Chelsea, khi họ đã quá quen với hình ảnh ngôi sao số 8 này tỏa sáng trên sân Stamford Bridge trong hơn một thập niên qua.
"Người không phổi" toàn năng
Khi mới tới Chelsea năm 2001, Lampard chỉ là một cầu thủ ở dạng tiềm năng với cái giá không phải là rẻ ở thời điểm đó là 11 triệu bảng. Sau 13 năm cống hiến, anh ra đi với tư cách một huyền thoại sống và là một trong những cầu thủ được yêu thích nhất lịch sử The Blues.
West Ham hẳn phải rất tiếc khi để Frank Lampard ra đi để rồi chứng kiến anh trở nên vĩ đại trong màu áo kình địch cùng thành phố. Anh là sản phẩm của lò đào tạo trẻ của West Ham, nơi sản sinh ra những tài năng bóng đá lớn của nước Anh trong hai thập niên trở lại như Rio Ferdinand, Michal Carrick hay Joe Cole. Sau khi có lần đầu tiên ra mắt vào năm 1996, Lampard trở thành cầu thủ đá chính thường xuyên kể từ mùa giải sau đó.
Lampard đã có mọi danh hiệu đáng mơ ước ở cấp CLB. |
Song sau mùa giải thảm họa 2000-01 của West Ham, chú của Lampard là Harry Redknapp đã phải chia tay cương vị huấn luyện. Bất bình trước cách đội bóng chủ quản đối xử với cha và chú mình, Lampard quyết định chuyển tới một CLB khác và anh đã chọn Chelsea. Kết quả là trong thời gian ở sân Stamford Bridge, anh đã giành được mọi vinh quang: một Champion League, một Europa League, ba Premier League, bốn FA Cup và hai League Cup. Về thành tích cá nhân, ngôi sao này đã hai lần về nhì tại các giải thưởng Cầu thủ của năm do FIFA tổ chức và Quả bóng vàng Châu Âu; nhiều lần góp mặt trong đội hình của năm ...
Nếu như sự yêu mến của người hâm mộ dành cho Lampard khó có thể được diễn tả hết qua câu chữ thì những con số thống kê lại phần nào khắc họa được sự vĩ đại của tiền vệ này. Trong thời gian khoác lên mình màu áo xanh, Lampard đã ghi tới 221 bàn để trở thành cây săn bàn số một trong lịch sử CLB dù chơi ở vị trí tiền vệ. Anh cũng đã lập được một kỷ lục vô tiền khoáng hậu của Premier League và bóng đá hiện đại khi góp mặt trong đội hình chính Chelsea trong 164 trận liên tiếp (giai đoạn 2001-2005). Chính thể lực bền bỉ dường như không bao giờ cạn kiệt ấy đã đem về cho Lampard biệt danh "người không phổi".
Điều đáng nể phục là dù trải qua sự dẫn dắt của nhiều huấn luyện viên và chơi qua nhiều đội hình với các vệ tinh khác nhau, Lampard vẫn giữ nguyên được niềm đam mê và tài năng trên sân cỏ. Trong những mùa giải đầu tiên dưới trướng của Ranieri, anh chơi như một tiền vệ tấn công nhô cao nhất đằng sau bộ đôi Hasselbaink và Zola. Khi đó, hỗ trợ cầu thủ số 8 này ở hàng tiền vệ là Zenden và Stanic. Nhưng kể từ năm 2003 khi tỷ phú Roman Abramovich tiếp quản Chelsea và bơm tiền để đội bóng thay máu lực lượng, Lampard lại phải làm quen với những đồng đội mới. Được đặt cạnh tiền vệ thủ Makelele vừa tới từ Real Madrid, Lampard lùi sâu hơn trước trong sơ đồ 4-4-2 nhưng vẫn giữ vai trò kiến thiết và được dâng cao để tấn công khi có cơ hội. Đây chính là mùa giải đánh dấu sự chuyển mình của anh. Thành tích ghi 15 bàn và đưa đội bóng tới bán kết Champion League cùng ngôi á quân Premier League giúp anh chỉ đứng sau Thierry Henry trong các cuộc bầu chọn danh hiệu cá nhân cuối mùa tại Anh.
Lampard (trái) xứng đáng với một chỗ đứng trong ngôi đền huyền thoại của Chelsea. |
Sân Stamford Bridge lại một lần nữa được chứng kiến sự thay đổi vào mùa hè 2004, khi Jose Mourinho tới và lại một lần nữa thay đổi chiến thuật. Các tiền vệ cánh được đẩy lên thành tiền đạo trong sơ đồ 4-3-3 còn Lampard lại được trả về vị trí tiền vệ tấn công quen thuộc. Phong độ chói sáng cả trong ghi bàn lẫn kiến thiết của anh đã được tưởng thưởng xứng đáng với chức vô địch Premier League và danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc mùa giải". Tại Champion League, Chelsea cũng đã lọt tới bán kết và Lampard cũng đã kịp để lại dấu ấn không thể nào quên với pha dứt điểm ở góc "không tưởng" vào lưới Bayern Munich giúp đội bóng thành London giành chiến thắng chung cuộc 6-5 ở tứ kết.
Với sự có mặt của cầu thủ giàu thể lực Michael Essien vào năm 2005, Mourinho đã hình thành được bộ khung tiền vệ ưa thích với Makelele - Essien - Lampard và Chelsea lại một lần nữa thống trị nước Anh. Sau khi Mourinho ra đi, Lampaard vẫn chứng tỏ mình là trụ cột không thể thiếu của CLB, với đỉnh cao là thành tích ghi 27 bàn thắng ở mùa giải 2009-2010. Dưới sự chỉ đạo của Carlo Ancelotti, Lampard bùng nổ với những đồng đội ở hàng tiền vệ gồm Ballack, Malouda, Mikel ...
Song với sự thay đổi liên tục trên băng ghế huấn luyện với những Villas-Boas, Di Matteo rồi Benitez ... cộng thêm gánh nặng tuổi tác khi đã bước qua tuổi 30, sức ảnh hưởng của Lampard trên sân cỏ ngày càng giảm dần. Anh phải xuất hiện trên băng ghế dự bị nhiều hơn và cũng không còn có thể dâng cao ghi bàn nhiều như trước nữa. Với sự xuất hiện của những tài năng tấn công trẻ trung như Mata, Hazard hay Oscar ... anh buộc phải lùi xuống chơi ở trung tâm hàng tiền vệ bên cạnh Mikel. Dẫu vậy, Lampard vẫn chứng tỏ được kinh nghiệm và sự thông minh với khả năng cầm bóng và điều tiết nhịp độ trận đấu.
Có chỉ số IQ lên tới hơn 150, tiền vệ mang áo số 8 luôn thể hiện được sự thông minh trong các đường chuyền và cách đọc trận đấu. Ở thời kỳ đỉnh cao, Lampard là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất trên thế giới và luôn ghi trung bình 20 bàn/mùa trong giai đoạn từ 2004 tới 2010. Những pha sút phạt đền lạnh lùng, các đường chuyền nhạy cảm và đặc biệt là những cú sút xa sấm sét đã làm nên thương hiệu Frank Lampard - "người không phổi" toàn năng.
Chứng nhân lịch sử
Ngày 24/2/2012, sân Nou Camp của Barcelona là nơi tổ chức một trong những trận đấu hay bậc nhất lịch sử Champion League, khi Chelsea cầm hòa đội chủ nhà 2-2 để bước vào chung kết với tỉ số chung cuộc 3-2. Khi nhắc tới trận đấu này, người ta thường nghĩ ngay tới pha sút phạt đền hỏng ăn của Messi, bàn thắng dễ dàng của Torres ở phút cuối hay chiếc thẻ đỏ của John Terry mà quên đi sự đóng góp thầm lặng của Frank Lampard. Sau khi Terry bị đuổi từ phút thứ 37, chính tiền vệ người Anh là người tiếp nhận chiếc băng đội trưởng và chỉ huy 9 cầu thủ còn lại của Chelsea đứng vững trước hàng loạt đợt tấn công như sóng vỗ của Barca. Không chỉ truyền lửa cho đồng đội, chính bản thân Lampard còn lập công lớn với pha chọc khe sắc như dao để giúp Ramires ghi bàn thắng rút ngắn tỉ số xuống còn 2-1 đem lại lợi thế cho Chelsea. Cổ động viên Chelsea yêu mến Lampard nhường ấy cũng bởi anh luôn chiến đấu hết mình cho đội bóng và chứng tỏ được giá trị bản thân khi CLB cần mình nhất.
Giai đoạn Lampard khoác áo Chelsea cũng gắn liền với thời kỳ thành công nhất lịch sử của đội bóng áo xanh thành London. Với hầu bao và tham vọng của ông chủ Abramovic, Chelsea liên tục được tăng cường lực lượng với những hảo thủ từ khắp nơi, song Lampard vẫn là một phần không thể thiếu tại Stamford Bridge vốn nhiều năm liền được xây dựng trên trục dọc Cech - Terry - Lampard - Drogba. Anh cũng là một chứng nhân lịch sử của Chelsea khi trải qua đủ những thăng trầm của đội bóng, từ khi đây còn là một đội bóng ở hạng khá của Premier League cho tới khi chuyển mình để trở thành một đại gia của bóng đá thế giới.
Vào tháng Tư năm 2005, Lampard lập cú đúp vào lưới Bolton để đem về chức vô địch quốc gia đầu tiên cho Chelsea sau năm thập kỷ. Trong các trận chung kết Champion League và Europa League mà Chelsea đăng quang, anh cũng là người được vinh dự đeo băng đội trưởng khi Terry vắng mặt. 13 năm trong màu áo Chelsea không chỉ toàn màu hồng, khi Lampard cũng đã phải trải qua những thời khắc đen tối như thất bại oan uổng trước Barcelona năm 2009 hay giai đoạn anh phải ngồi ngoài 4 tháng do chấn thương. Đáng nhớ nhất là trận chung kết Champion League tại Moscow năm 2008 với Manchester United, khi anh đã ghi bàn để đưa đội bóng tới loạt sút luân lưu trước khi để tuột mất chức vô địch một cách cay đắng. Nhưng tiền vệ này đã không gục ngã, để rồi chính anh được giương cao chiếc cúp Champion League danh giá bốn năm sau đó trước Bayern Munich.
Nhiều người yêu mến Chelsea hẳn không thể nào quên được trận bán kết cúp C1 giữa Chelsea với Liverpool năm 2008. Trận đấu diễn ra chỉ vài ngày sau khi mẹ của Lampard qua đời sau một cơn bệnh, nhưng anh vẫn quyết định ra sân và thậm chí còn ghi bàn. Sự tập trung, lạnh lùng trên chấm phạt đền trước khi vỡ òa cảm xúc vào thời điểm ăn mừng bàn thắng là khoảnh khắc không thể nào quên với người hâm mộ Lampard. Anh là cầu thủ chuyên nghiệp hàng đầu trên sân cỏ và luôn cống hiến hết mình cho đội bóng, bất chấp chuyện buồn cá nhân mà bất cứ ai cũng có thể hiểu và thông cảm với anh. Sau hơn một thập kỷ cống hiến trong màu áo xanh, Lampard đã tới New York với "giấc mơ Mỹ", sau khi đã giúp hoàn thiện bao giấc mơ cùng The Blues.