Trong “Tam quốc diễn nghĩa” có đoạn Tào Tháo mời Lưu Bị đến dự buổi tiệc rượu ở tiểu đình để thăm dò ý tứ. Trong lúc ngà ngà say, Tào Tháo hỏi Lưu Bị về chuyện anh hùng trong thiên hạ. Lưu Bị muốn từ chối nhưng không được, bèn kể ra tất cả bậc anh tài mà Lưu Bị biết thời bấy giờ. Thế nhưng chẳng ngờ Tào Tháo lại gạt bay đi tất cả. Lưu Bị đang lúc lúng túng, chưa biết nói gì thì Tào Tháo lấy tay trỏ vào Lưu Bị mà nói: “Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tháo mà thôi”.
Như chúng ta đều biết, người chủ động lập cuộc rượu và bàn luận về anh hùng là Tào Tháo, Lưu Bị hoàn toàn bất ngờ. Lúc bấy giờ, thế lực của Lưu Bị là hoàn toàn yếu thế so với Tào Tháo, ấy vậy mà trong con mắt và suy nghĩ của Tào Tháo thì chính Lưu Bị với mình mới xứng đáng là những bậc anh hùng trong thiên hạ. Nếu theo cách luận anh hùng ấy thì yếu tố “thắng và bại” đôi khi không phải là thước đo chính khi đánh giá về một con người hay nói khác hơn là khẳng định tầm vóc của một nhân vật.
Bóng đá khá giống như một cuộc chiến, HLV cũng khá giống như một vị tướng chỉ huy. Và người ta thường nhớ, thường nhắc nhiều đến những người chiến thắng. Tuy nhiên, cũng có những cái tên vẫn được người hâm mộ nhắc đến và kính trọng dù họ không quá thành công trong sự nghiệp, không có nhiều danh hiệu. Ở đấy, sự đánh giá và nhận xét còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa và “cảm tính chủ quan” là một trong những yếu tố đó.
Mourinho rất chú trọng nguyên tắc, kỷ luật và “kết quả” là cái đích cuối cùng mà ông luôn luôn nhắm đến. Ảnh: Internet |
Mourinho có nét gì đó khá giống Tào Tháo, ông có một tính cách khá “kiêu ngạo” khi tự nhận mình là “Người đặc biệt”, giống như cái cách mà Tào Tháo tự cho mình là một “anh hùng trong thiên hạ”. Mourinho rất chú trọng nguyên tắc, kỷ luật và “kết quả” là cái đích cuối cùng (quan trọng nhất) mà ông luôn luôn nhắm đến (nhiều khi bất chấp thủ đoạn). Mourinho đã giành được khá nhiều thành công, danh hiệu trong sự nghiệp huấn luyện cho đến hiện tại. Sẽ có nhiều người yêu ông, ngưỡng mộ ông, thế nhưng ông cũng bị rất nhiều người ghét bởi cá tính và phong cách ấy. Tuy nhiên, nói gì thì nói thì ai cũng phải khẳng định rằng Mourinho là một HLV tài năng của bóng đá đương đại, chính ông đã làm cho bóng đá thêm nhiều màu sắc và cảm xúc hơn. Và sẽ không quá lời khi cho rằng ông chính là một trong những “anh hùng” trong bóng đá.
Nếu như Mourinho khá giống với Tào Tháo thì Wenger lại khá giống Lưu Bị. Dẫu biết rằng Arsenal của Wenger đã từng là một thế lực và làm mưa làm gió ở Ngoại hạng Anh. Thế nhưng, trong những năm gần đây, nhắc đến Wenger, nhắc đến Arsenal là người ta nhắc nhiều đến một đội bóng có lối chơi đẹp nhưng không quá hiệu quả (đã 8 mùa giải gần đây Pháo thủ chưa giành được bất cứ danh hiệu nào). Arsenal của những mùa giải gần đây không đủ mạnh để vươn đến những đỉnh cao. Rất nhiều lần những giấc mơ của Pháo thủ trở thành dang dở.
Trong rất nhiều lần Wenger đối đầu với Mourinho thì chiến lược gia người Pháp chính là người nhận thất bại nhiều hơn. Thế nhưng dù có thế nào thì Wenger vẫn được rất nhiều người hâm mộ ngưỡng mộ và kính trọng tài năng của ông. Nó giống giống như cái cách mà Lưu Bị thu phục lòng nhân và được người đời ca tụng vậy!
Wenger được rất nhiều người hâm mộ ngưỡng mộ và kính trọng tài năng của ông. Ảnh: Internet |
Nói như thế để thấy rằng, luận anh hùng thì đâu chỉ có một thước đo duy nhất là sự thành công hay “thắng và bại”. Một đội bóng có thể thua trận, nhưng vẫn được rất nhiều người nhắc đến bởi đơn giản họ đã chiến đấu hết mình, bằng tất cả (đôi khi hơn thế nữa) những gì họ đang có. Trong bóng đá cũng như trong cuộc sống, không đội bóng nào, không một cá nhân nào có thể “bách chiến bách thắng” mãi mãi. Không ai có thể sống mãi và ngự trị mãi trên đỉnh vinh quang. Điều quan trọng là cái cách họ đi vào lòng người hâm mộ như những “anh hùng” và chắc chắn rằng “anh hùng” ấy không lúc nào cũng chiến thắng. Và lẽ dĩ nhiên là có khá nhiều cách để người ta có thể đi vào sử sách, thế nhưng dù là cách nào đi chăng nữa thì cũng không trách khỏi sự khen chê, bình luận, đánh giá dưới cái nhìn của mọi người. Bởi vì đơn giản là “Nhân vô thập toàn” cũng như người bình phẩm thì không tránh khỏi chuyện “lẽ ghét thương”.
Người ta thường nói “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, vì thế chúng ta hãy sống hết mình, cố gắng hết mình từ ngay hôm nay, dẫu có thành công hay thất bại thì cũng không thẹn với chính mình. Giống như M.U của hiện tại vậy, Quỷ đỏ có thể không còn “kiêu hùng và ngạo nghễ” như xưa; Quỷ đỏ có thể bị “Hùm xám” xứ Bavaria đá văng khỏi Champions League mùa này, thế nhưng điều người hâm mộ muốn chứng kiến là tinh thần chiến đấu rực lửa của Quỷ đỏ và dẫu có thất bại thì cũng phải ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu. Thắng và bại là lẽ thường, nhưng nhiều khi người ta còn quan tâm đến cái cách thắng, cách bại nữa kìa, ngoài ra chuyện “thắng hay bại” thì đều có những giá trị riêng của nó.
Thắng và bại là một chuyện rất thường tình trong bóng đá cũng như trong cuộc sống. Và người ta vẫn thường xem chuyện thắng bại là thước đo chính để đánh giá một con người, một đội bóng. Thế nhưng, thắng bại không phải là tất cả và đôi lúc “luận anh hùng” thì chuyện thắng bại không hẳn là yếu tố chính để đánh giá và bàn luận. Suy cho cùng thì cũng có một chút gì đó là “cảm tính” trong những đánh giá, bình luận của chúng ta về một nhân vật hay một đội bóng. Vì thế cho nên, điều chúng ta cần nhất là giữ được tình yêu bóng đá, tình yêu về một đội bóng, về một “thần tượng” và xem họ là một “anh hùng” trong lòng của mỗi chúng ta.