Man City hiển nhiên là một đội bóng mạnh, thậm chí là trong top mạnh nhất châu Âu, chí ít về mặt đội hình. Họ cũng chơi tương đối ổn ở mọi mặt trận. Thế nhưng, từ chỗ ôm tham vọng với 3, 4 danh hiệu khác nhau, thì giờ, thực tại mà thầy trò Pellegrini đang phải đối mặt hoàn toàn có thể là một mùa thất bát.
Áp lực nhà giàu
Áp lực của một đội bóng như Man City đến từ việc họ đã tự chọn lấy con đường thành công bằng tiền bạc. Như thế không có gì không đúng, nhưng vấn đề là họ dựa hoàn toàn vào tiền bạc. Thành công mang về luôn bị đặt lên bàn cân so sánh với tiền của bỏ ra, các cầu thủ và huấn luyện viên luôn bị đòi hỏi, luôn bị yêu cầu phải thể hiện xứng đáng với mức đãi ngộ, với giá trị mà họ được ấn định.
Dựa hoàn toàn vào tiền bạc để tạo ra một đội quân đánh thuê thật nhanh chóng, với chất lượng cá nhân hảo hạng, nhưng Man City không thể dùng tiền để mua sự ổn định, mua sự bài bản trong phát triển con người từ đào tạo trẻ. Tiền không mua được tình yêu, lòng kiêu hãnh, không tạo ra được một bản sắc từ trong tâm niệm, một ý thức hệ có tính lưu truyền để duy trì một đội bóng trên đỉnh cao năm này qua năm khác. Tiền tự duy trì bằng chính nó, cứ phải thêm tiền nữa, thêm tiền mãi.
Man City không thể dùng tiền để mua sự ổn định. Ảnh: Internet |
Thật ra, Man City thừa đủ khả năng để có thành tích tốt hơn những gì họ đã có. Nhưng trong ba yếu tố tạo ra một tập thể vững mạnh, lâu bền, họ mới chỉ có một. Ba thứ đó là chất lượng con người, khả năng kế thừa, và một chiến lược gia hoàn hảo. Man City chỉ có những “ngôi sao hiện tại xuất sắc”, họ chẳng có bất cứ sự chuẩn bị nghiêm túc nào cho tương lai ngoài… tiền. Ngày hôm nay họ đá tốt, bấu víu vào phong độ cao của một vài trụ cột, nhưng khi những người đó có vấn đề, hay ai đó “hơi kém”, Man City trở nên thiếu ổn định mà không thể lấy gì bù đắp được.
Cảm giác như họ luôn luôn cần 11 con người trên sân đều hay, đều tốt trong một thời điểm thì mới có thể đá hiệu quả, nếu có ai đó không được như ý thì một người mới phải được mua về lấp ngay vào đó. Sức mạnh của Man City mong manh, như một bức vách phải luôn dán những đồng tiền vào những lỗ hổng vậy, không có nguồn nào khác, anh phải giàu thật giàu để cho bức vách không hở. Trong cuộc chạy đua xa xỉ đó, dĩ nhiên kết quả phải thuyết phục so với những khoản đầu tư. Các cầu thủ rồi sẽ có người xuống phong độ, rồi sẽ có người chấn thương, phụ thuộc hoàn toàn vào việc mua mới các ngôi sao năm này qua năm khác dường như quá phung phí, chẳng khác gì kinh doanh chưa có lãi mà vẫn liên tục mở thêm cửa hàng.
Man City mạnh, nhưng chưa mạnh nhất
Yếu tố huấn luyện viên là không thể không nhắc đến. Nếu tất cả những gì Pellegrini cần là phải luôn có 11 ngôi sao xuất sắc trở lên, cả mùa không ai mệt mỏi thì ông mới huấn luyện được, thì sẽ không khác nhiều lắm so với Mancini. Ông phải chấp nhận rằng mọi trụ cột đều có thể chấn thương, đều có thể đánh mất mình trong một vài trận đấu, và kể cả có những người chuyên môn có hạn, đẳng cấp chưa cao, thì đội hình của ông vẫn còn khá hơn gấp bội so với rất nhiều các đội bóng khác, nội trongPremier League thì chẳng thua ai.
Premier League là đấu trường cuối cùng còn lại của Man City. Ảnh: Internet |
Với đội hình như thế, Pellegrini cần những danh hiệu, thậm chí là danh hiệu lớn để khẳng định tài cầm quân của mình. Man City có thể có những thời gian thi đấu ấn tượng ở cả giải quốc nội lẫn đấu trường châu Âu, nhưng nó chẳng có gì kỳ lạ với lực lượng nhiều ngôi sao của họ. Ai còn lạ gì việc Man City của Mancini cũng ầm ầm thăng tiến khi mới tậu hàng loạt các hảo thủ, nhưng sau đó vẫn phải cạnh tranh chật vật với Quỷ đỏ MU – đội có nhân sự kém hơn rõ ràng, một lần chỉ hơn mỗi hiệu số, một lần bị bỏ xa ngoài chục điểm.
Yếu tố lực lượng chỉ gây bão tố được thời gian đầu, bởi bóng đá là môn thể thao tập thể, chỉ có sự đoàn kết, ăn ý, ý chí chung, chiến thuật đa dạng mới có thể đưa đội bóng đến đích trên quãng đường dài. Khó khăn thì ai chẳng gặp, vấn đề là xoay xở ra sao để vượt qua nó. Nếu cứ hơi không hoàn thiện là mua cầu thủ, ai phong độ hơi xuống là đẩy đi, không bao giờ có chỗ cho cầu thủ trẻ, huấn luyện viên trắng tay là tìm người khác, sự bình ổn là không thể có. Không thể có sự kết nối về chuyên môn lẫn tinh thần giữa 11 cầu thủ với nhau trong nhiều mùa giải nếu cứ thử, dùng, rồi lại đổi liên tiếp. Với cách làm quen thuộc này của Man City, Pellegrini bị sa thải vào cuối mùa cũng không lạ, Mancini cũng từng như vậy.
Chiếc cup Liên đoàn Anh quá nhỏ nhoi, thậm chí một đội xuống hạng như Wigan còn có một FA Cup hồi năm ngoái, chính họ cũng đẩy Man City khỏi giải đấu này năm nay. Tất cả mới chỉ bắt đầu, nhưng Man City đã bắt đầu được 3, 4 năm nay mà vẫn chưa đứng được ở vị trí mà họ mong muốn. Premier League là đấu trường cuối cùng còn lại, nếu không thể vô địch,thì những chiến thắng vùi dập, những pha ghi bàn đẹp mắt, những màn thể hiện tốt đẹp sẽ lại chìm vào quên lãng mà thôi. Và nếu thế, không biết Pellegrini liệu có được cho thêm thời gian để cải cách? Mong rằng chính sức ép sẽ giúp đội bóng của ông vùng dậy mãnh liệt trong giai đoạn cuối, phô bày được đẳng cấp để “giành lấy nước Anh”.