Cách tiếp cận trận đấu mặc định là phòng ngự phản công đã từng mang về cho HLV người Bồ 2 Cúp vô địch Champions League, và mùa này, Jose Mourinho có lẽ vẫn sẽ là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch, dù ai cũng vừa nhìn thấy: Họ thua cả một đội kém ở Premier League, Crystal Palace.
Chelsea đã thua Palace như thế nào?
Đó đơn giản là một tai nạn. Chelsea đã thua vì chính những điểm mạnh của họ, và sở trường của họ: Phòng ngự phản công. Mourinho không bao giờ là một HLV giỏi “khoan cắt bê tông”, trong khi Palace đã bày ra một thế trận trong hang động và chỉ chờ thời gian trôi qua, trước khi John Terry, bức tường thành của Chelsea, trao cho họ một món quà.
Các thống kê và bản đồ nhiệt cho thấy Palace vào trận chỉ với một tâm thế: Bảo vệ khung thành bằng mọi giá. Họ chỉ cầm bóng 33 %, hiếm khi phát triển bóng đến 1/3 sân bên kia đối phương. Chân sút cắm của họ, Cameron Jerome, chạm bóng 35 lần cả trận, nhưng 5 lần trong số đó diễn ra ở 30 mét cuối cùng phần… sân nhà của Palace. Tiền vệ trung tâm Mile Jedinak thậm chí chạm bóng ở 1/3 sân của Palace còn nhiều hơn là ở giữa sân.
Mourinho (phải) không sợ những đội chơi tấn công |
Jedinak đôi khi còn lùi hẳn vào trong vòng cấm để phòng ngự, trong khi cặp trung vệ Scott Dann và Damien Delaney bị đẩy sâu vào vòng 5m50. Sau khi Palace có bàn dẫn trước, hầu như cặp trung vệ của họ chỉ hoạt động quanh quẩn trong vòng cấm, và hai hậu vệ cánh co hẳn về sân nhà. Đội bóng của Toni Pullis đã chơi phòng ngự số đông, chặt chẽ và rất kỷ luật. Chelsea đã hoàn toàn bó tay trước “ca khó” này.
HLV Pullis thậm chí còn không yêu cầu các cầu thủ của ông chuyền bóng. Một ví dụ điển hình là thống kê cản phá của trung vệ Delaney còn nhiều hơn… số đường chuyền của anh. Cặp trung vệ của Palace chỉ chuyền bóng 11 lần ở trận này, trong đó Delaney chuyền thành công 6 lần, còn Dann “thảm hại” hơn, chỉ chuyền thành công 3 lần. Nhưng Pullis không cần quan tâm đến điều ấy. Quan trọng nhất là Chelsea chỉ tung ra được 2 cú sút trúng đích, và tạt đến 38 quả mà không ghi nổi bàn thắng nào.
Đứng xem trận đấu từ bên đường piste, Mourinho có lẽ cũng đã nhớ lại bán kết Champions League mùa 2009-2010, Inter Milan cũng đã khuất phục Barcelona theo một phương thức tương tự. Delaney là Terry của Palace, và Jedinak là Cambiasso.
Hạn chế của Chelsea
Cho đến lúc này thì chúng ta hiểu tại sao Mourinho luôn phải đăng đàn nhắc đi nhắc lại rằng Chelsea chỉ là “ngựa nhỏ” trong cuộc đua vô địch. Đó không hẳn là một lời nói tâm lý chiến suông. Đó là một lời nhắc nhở có dụng ý: Bằng cách tạo ra một ám thị cho các đội bóng lớn rằng Chelsea chỉ là cửa dưới, Mourinho dễ bề triển khai chiến thuật ưa thích của ông.
Điều đó lý giải tại sao Chelsea chơi hay khi gặp các đối thủ trực tiếp trong cuộc đua đến chức vô địch đến thế: Họ đều là các đội bóng chơi tấn công, từ Liverpool, Arsenal cho đến Man City. Đó là điều kiện để Mourinho giăng bẫy, với một hàng phòng ngự chơi thấp, nhưng các cầu thủ tấn công lúc nào cũng ở trong trạng thái “cánh cung” giương sẵn, chỉ cần đúng phương án chiến thuật triển khai là bắn. Về phản công thì có lẽ chúng ta không cần phải nói nhiều nữa: Mourinho là một bậc thày, với những phương án phản công đa dạng, chi tiết và hiệu quả.
Chelsea vẫn là ứng cử viên vô địch Champions League |
Nhưng các đội bóng nhỏ thì không nghĩ vậy. Giải Ngoại hạng Anh cũng đã khác với những gì đã diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của Mourinho ở Chelsea: Cách đây 7 năm, một CLB yếu cũng có thể chơi tấn công rất nhiệt tình và hơi ngây thơ. Mùa bóng này, các “ông lớn” đang phải khốn khổ trước những CLB nhỏ chơi phòng ngự phản công: West Brom đã hòa Chelsea cả hai lượt trận, hòa Liverpool và Arsenal. Newcastle đánh bại Chelsea. Everton từng thắng Chelsea, hòa Arsenal, Liverpool. Stoke từng tiêu diệt cả Chelsea và Arsenal.
Trận thắng của Palace trước Chelsea vừa qua càng cho thấy rằng các đội bóng nhỏ của Premier League ngày càng khó bị đánh bại. Họ phòng ngự số đông có kỷ luật, rất chắc chắn, và chơi thực dụng. Tất cả đều có thể là một phiên bản mà Mourinho ưa thích, dù ở cấp độ thấp hơn.
Vẫn là chuyên gia Champions League
Gần như tất cả các đội góp mặt ở tứ kết Champions League mùa này đều chơi tấn công: Barcelona, Real Madrid, Dortmund, Atletico Madrid, Bayern, và cả đối thủ của Chelsea, PSG. Như đã nói, Chelsea không sợ những đội chơi tấn công, dù là tấn công mạnh mẽ đến đâu đi chăng nữa. Họ luôn thoải mái với tư thế cửa dưới, và Mourinho sẽ bắt tất cả những đội chơi tấn công phải mắc sai lầm. Đó là biệt tài của ông.
Thế nên, trận thua Palace vừa rồi dù là một cú sốc thực sự (lần đầu tiên trong lịch sử, Palace đánh bại được một đội đầu bảng), nhưng nó không làm ảnh hưởng đến đánh giá cơ hội của Chelsea tại châu Âu: Mourinho không sợ Barca, mà chính những đội như Palace mới làm ông e ngại vào thời điểm này, bởi họ chơi quá giống ông.
Thế nên đừng ngạc nhiên nếu Chelsea mất chức vô địch Premier League, nhưng lại đăng quang Champions League mùa này.