Chuyện kể rằng lúc thành phố Athen vẫn còn hoang vu và vô chủ, cả hai vị thần Poseidon và Athena đều muốn nắm giữ mảnh đất này nên cuối cùng phải thi tài để phân định xem ai xứng đáng được ở lại. Poseidon chọc đinh ba xuống đất, làm nó nứt toạc và một dòng suối chảy ra, người dân trầm trồ nhìn dòng suối một cách đầy thán phục. Nhưng khi họ múc nuớc uống thì thấy nước có vị mặn chát . Quà của Poseidon nhìn thì đẹp nhưng lại vô dụng. Đến lượt Athena, nữ thần chôn một hạt giống xuống đất, một lúc sau nó nảy mầm và biến thành cây ô-liu. Nhìn rất mộc mạc, nhưng đây là một món quà hữu dụng. Dầu ô-liu có thể dùng làm chất đốt, dầu ăn; trái thì làm thực phẩm; còn thân cây thì cung cấp gỗ cho con người xây nhà. Athena thắng cuộc và vùng đất mang tên Athens
Từ nhiều năm nay, HLV Wenger luôn tâm niệm xây dựng một đội bóng có lối đá cống hiến, đẹp mắt. Và ông đã làm được khi hình ảnh Pháo thủ chiếm được tình cảm của đông đảo người hâm mộ bởi lối chơi đan bậc nhuần nhuyễn, những pha chuyền bóng 1-2 nhanh như điện, lối tấn công uyển chuyển mê hoặc. Nhưng sau giai đoạn thăng hoa, đã 8 năm trôi qua, Arsenal chưa một lần được giương cao cúp vô địch dù đó là Carling cup nhỏ nhoi, cup FA truyền thống hoặc Premier League và Champions League cao quý.
Chính điều đó đã phát sinh không ít lời chê khen cho lối chơi đã trở thành thương hiệu và phong cách Pháo thủ Luân Đôn, dù trước đó, chính cách chơi ấy đã làm mê đắm biết bao con người. Sở dĩ có chuyện như vậy vì người ta đã chờ đợi quá lâu – gần một thập kỷ - mà vẫn chưa thấy Arsenal vô địch ở giải đấu nào. Arsenal vẫn chơi đẹp, vẫn cống hiến đó, nhưng danh hiệu thì vẫn thiếu. Những ai theo trường phái “bóng đá vị nghệ thuật” thì ủng hộ Wenger, cho rằng Arsenal phải đi theo con đường riêng của mình, và con đường đó phải đẹp chứ không nhất thiết phải có danh hiệu bằng mọi giá. Nhưng không phải cầu thủ nào của Arsenal cũng chấp nhận cả sự nghiệp của mình phải trắng tay để đổi lại cái danh xưng là “đá đẹp”. Bởi nên Henry rồi Persie… đã ra đi để tìm kiếm cái mà Arsenal chưa thể (hoặc không bao giờ) cho họ được. Trong lòng CĐV, họ là những kẻ phản bội, nhưng trong mắt nhiều người, đó là những kẻ thức thời. Bóng đá đẹp là rất cần, nhưng nếu có danh hiệu thì vẻ đẹp ấy càng sáng chói hơn.
Jose Mourinho thì hoàn toàn trái ngược với Wenger. Phương châm huấn luyện đội bóng của ông là đề cao sự an toàn, sự chắc chắn được đặt lên hàng đầu, phải “không được để thua” mới nghĩ đến chuyện tìm cơ hội chiến thắng. Đối với Mou, thắng 1-0 tốt hơn thắng 4-3 rất nhiều. Cái đẹp đối với ông dường như quá xa xỉ và xa rời thực tế. Điều ông cần là hiệu quả. Rồi hơn 10 năm qua, Mourinho đã cho người ta thấy ông có lý thế nào khi đeo đuổi triết lý bóng đá của mình. Ông càng quét mọi danh hiệu từ Bồ Đào Nha sang Anh, Italia rồi Tây Ban Nha, từ Europa League đến Champions League…tất cả đã biến ông thành Người đặc biệt. Không ít ý kiến chỉ trích lối đá khoa học đến khô khan vô hồn, xấu xí của những đội bóng Mourinho huấn luyện, họ bảo rằng ông đang giết chết cái đẹp của bóng đá. Nhưng không ai không thừa nhận rằng, ông đã xây dựng một phong cách chơi cực kỳ hiệu quả dẫu bề ngoài của nó chẳng lấy gì đẹp đã.
Cả Mourinho và Wenger đều đã tạo dựng được tên tuổi của mình bằng việc xây dựng nên những phong cách khác nhau cho đội bóng mình huấn luyện. Không phải ai cũng ngợi ca cái lối đá “không thua trước rồi thắng sau” của Mourinho nhưng cũng có không ít người phản đối việc Arsenal của Wenger cứ chơi đẹp rồi…trắng tay. Vì người ta không thể ca ngợi mãi kẻ thất bại, vẻ đẹp nào khi gắn liền với thực tế sẽ tốt hơn.