Pep Guardiola đã gây bất ngờ bằng cách… thử nghiệm một hệ thống chiến thuật cổ lỗ sĩ từ những năm 1950 trước Man United, và dù chiến thắng, canh bạc này rõ ràng đã hạn chế sức mạnh của Bayern. Tại sao Pep lại mạo hiểm vậy?
Lahm chơi một lúc hai vị trí
Chiến thuật 2-3-2-3 từ những năm 1950 được Pep áp dụng cho Bayern ở trận thắng MU 3-1 |
Nhìn vào ảnh trên, ta có thể thấy hai hậu vệ cánh của Bayern, đặc biệt là Philipp Lahm, đảm nhiệm cùng lúc hai vai trò: Tiền vệ trung tâm và hậu vệ biên. Toni Kroos giữ vị trí mỏ neo, Thomas Mueller đá hộ công còn Mario Mandzukic chơi cao nhất.
Jerome Boateng cũng có thể di chuyển trám vào cánh phải khi cần, nhưng cơ bản thì anh vẫn không thoát khỏi vị trí trung vệ. Lahm và David Alaba chơi rất gần ngay phía trên Kroos, thay vì giữ vị trí bên cánh, và chỉ lùi về biên do mình quán xuyến khi chống phản công.
Hệ quả là cả hai đều tỏ ra vô cùng khó khăn khi quán xuyến một khu vực thi đấu rất rộng, và nhờ thế, Man United đã vùng lên rất mạnh mẽ sau giờ nghỉ, nhờ sự năng nổ của Welbeck và Wayne Rooney.
Ý tưởng của Guardiola là phong tỏa hoàn toàn khu vực giữa sân bằng số đông để đảm bảo quyền kiểm soát bóng, qua đó cho phép 2 cầu thủ chơi cao trong tam giác tiền vệ, Thomas Mueller và Mario Goetze, tập trung vào việc phát triển bóng vào 30 mét cuối cùng của đối phương, điều mà Bayern thiếu ở trận lượt đi.
Cầu thủ cánh di chuyển rộng
Sơ đồ ấy buộc Arjen Robben và Franck Ribery phải chơi dạt biên quá rộng, và điều đó đã hạn chế khả năng đi bóng từ biên vào rồi dứt điểm của họ. Vì đều chơi kiểu chân nghịch với cánh thi đấu, việc xuống sát biên làm giảm sự nguy hiểm của họ.
Hệ thống này không những triệt tiêu đi sự nguy hiểm của các tiền đạo cánh như Ribery – Robben, mà còn cản trở Kroos phát huy sự sáng tạo của anh, do vai trò quá “cô đơn” ở phía dưới. Ngoài việc phải tham gia kiến tạo lối chơi, Kroos còn phải sẵn sàng bọc lót cho Lahm và Alaba khi cần.
Đó là hệ thống 2 chữ W 2-3-2-3 thịnh hành từ những năm… 1950 và tưởng chừng đã tuyệt chủng. Nhưng đó cũng là lúc chúng ta thấy Pep sáng tạo ra một vai trò mới: Các hậu vệ “lai” tiền vệ.
Pep không nghĩ ra điều gì mới
Đó thực ra không phải ý tưởng do Pep sáng tạo, mà là ảnh hưởng từ Marcelo Bielsa, người truyền cảm hứng cho Pep. Bielsa cũng thường xuyên sử dụng các hậu vệ cánh chơi bó vào trung lộ và các cầu thủ chơi cánh dạt biên rộng. HLV người Argentina tôn thờ thứ bóng đá trực diện, pressing dữ dội, giúp các hậu vệ cánh hỗ trợ cầm bóng nhiều hơn và tạo ra quân số áp đảo ở hàng tiền vệ.
Đây thực tế không phải là lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy vai trò lạ lẫm của Lahm: Ze Roberto đảm nhiệm cả hai vai trò tiền vệ - hậu vệ biên ở Hamburg, và Alaba mùa này cũng đã nhiều lần được sử dụng trong vai trò tương tự.
Trước khi trở thành HLV của Barca, Pep đã lái xe suốt 11 tiếng đồng hồ chỉ để đến nhà Bielsa vào nửa đêm và cả hai đã nói chuyện suốt đêm về chiến thuật. Các lý thuyết về pressing, trong đó có cả nguyên tắc “6 giây” vô cùng quan trọng (luôn phải cướp lại bóng trong vòng 6 giây sau khi để mất), hỗ trợ cho Tiki-taka, là do Bielsa đúc rút.
Thực tế thì Pep chưa bao giờ là người sáng tạo ra những ý tưởng mới mẻ hoàn toàn. Thứ bóng đá mà Barcelona của ông từng vận hành là tổng hợp từ triết lý tổng lực của Johan Cruyff, lý thuyết vận hành của Bielsa và một chút vay mượn từ khả năng tổ chức của Arrigo Sacchi. Nhưng Pep có lẽ là “nhà tổng hợp” vĩ đại nhất mà chúng ta từng biết: Ông “khai quật” những ý tưởng cũ kỹ, xếp chúng lại theo một trật tự lý tưởng và tạo ra một trường phái mới.
Guardiola sẵn sàng áp dụng những chiến thuật mới để giúp Bayern trở nên hoàn hảo hơn |
Cái hoàn hảo vẫn có thể hoàn hảo hơn
Bayern là một Đế chế không ngừng vận động, và vì thế, đội bóng này thích những nhà cách mạng. Đó là lý do khiến họ thuê Klinsmann, người đã tạo ra cuộc cách mạng về lối chơi tấn công tốc độ và tận hiến vào đội tuyển Đức. Đó là lý do họ thuê Louis van Gaal, một HLV Hà Lan điển hình và có triết lý bóng đá sâu sắc. Đó là lý do họ mời Jupp Heynckes, bậc thầy về bóng đá tổ chức, khoa học. Và giờ, họ tìm đến Pep Guardiola để tạo ra một thứ bóng đá lôi cuốn hơn.
Pep vẫn đang làm công việc mà ông đã từng làm rất tốt ở Barca: “Cấy ghép” những ý tưởng chiến thuật cũ vào một không gian mới. Đẩy Lahm lên chơi tiền vệ, rồi lại cho anh sắm một lúc hai vai trò, trong một hệ thống mà chỉ thịnh hành vào những năm 1950, Pep không ngừng thay đổi, ngay cả khi ai cũng cho rằng Bayern đang là một cỗ máy hoàn hảo.
Có lẽ đó là phẩm chất giúp Pep biến một đội bóng tưởng chừng rất hoàn hảo thời Heynckes thành một đội bóng mà thậm chí còn được cho là hoàn hảo hơn vào thời điểm này. Người ta thường bảo “đừng bao giờ thay đổi một đội hình đang chiến thắng”, nhưng slogan của Pep là “không thay đổi là chết”.
Những ý tưởng ấy có thể chưa phát huy tác dụng vào thời điểm này, thậm chí bị coi là điên rồ, nhưng một HLV có tầm nhìn sẽ không ngại dấn thân như thế. Và Pep trở thành một HLV vĩ đại có lẽ cũng vì phẩm chất ấy: Ông luôn đi tìm thứ bóng đá của tương lai. Và những gì đang diễn ra ở Bayern là rất đáng chờ đợi.