Tháng 06.2013, Mourinho trở về Chelsea nơi mà tên tuổi của ông được cả thế giới biết đến. Tươi tắn với với bộ vest lịch lãm cùng chiếc áo truyền thống xanh da trời trên tay. Nhìn hình ảnh của ông lúc ấy, với một đội hình hùng mạnh gồm những ngôi sao đắt giá, người hâm mộ Chelsea đã mong đợi về một mùa giải rực rỡ và gặt hái thành công.
Thế nhưng càng gần về cuối mùa giải, Chelsea dần dần tỏ ra đuối sức, thất bại nối tiếp trong những thời khắc quan trọng. Đầu tiên là bị loại của cúp FA trước Man City, sau đó thất bại trước Aston Villa và Crystal Palace làm mất lợi thế hoàn toàn cho cuộc đua giành chức vô địch Premier League. Và gần đây nhất trên mặt trận Champions League, tại sân Công viên các Hoàng tử, Chelsea bị nhấn chìm bởi một PSG rực lửa với tỉ số 3-1.
Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa những thất bại của Chelsea?
Để trả lời câu hỏi đó, trước hết chúng ta cần hiểu rõ triết lý bóng đá của Mourinho. Mourinho từng nói:“Chiến thắng 1-0 là dễ dàng nhất, kết quả cuối cùng mới quan trọng”. Với ông ta, một chiến thắng đẹp hay xấu, nhiều hay ít bàn thắng không quá quan trọng, mà cần nhất là phải chiến thắng bằng mọi giá.
Mourinho rất coi trọng công tác tâm lý cho cầu thủ trước mỗi trận đấu. Ảnh: Internet |
Triết lý thực dụng này của Mourinho dựa trên nền tảng sau: Luôn đề cao tính chắc chắn an toàn nên dù tiền đạo cũng phải tham gia phòng ngự khi cần thiết; Tìm ra các điểm yếu nhằm phá vỡ lối chơi đối phương; Khai thác triệt để sai sót hàng phòng ngự đối phương bằng việc sử dụng một trung phong cắm có khả năng tranh chấp, tì đè và dứt điểm sắc bén; Vận hành nhịp nhàng nhờ cầu nối là một tiền vệ phòng ngự xuất sắc có khả năng đánh chặn từ xa.
Cuối cùng để phát huy đến hiệu quả cao nhất của lối chơi này, các cầu thủ phải giữ được sự tập trung tối đa, cống hiến toàn bộ tinh thần và thể chất cho từng trận đấu. Chính vì lý do đó, Mourinho rất coi trọng công tác tâm lý cho cầu thủ trước mỗi trận đấu, tạo động lực và sự khát khao chiến thắng, mục đích biến các cầu thủ thành những chiến binh thực sự.
Nhìn lại những đội bóng mà Mou dẫn dắt, triết lý này luôn được hướng đến triệt để: Porto vô địch Champions League 2004 là nền tảng đầu tiên và cũng là chiến tích vang đội cho phong cách này của Mourinho, hẳn người hâm mộ lúc đó vẫn còn nhớ Monaco với những siêu sao tấn công hàng đầu Châu Âu: Rothen, Prso, Giuly, Morientes… đã bất lực hoàn toàn trước một Porto chặt chẽ trong tổ chức và thực tế về đấu pháp. Lối đá thực dụng đáng sợ của Porto năm đó đã hạ gục Monaco 3-1 trong trận chung kết Champions League và đưa tên tuổi của Mourinho vượt ra khỏi Bồ Đào Nha.
Tiếp nối thành công từ Porto, Mourinho cập bến Chelsea mang theo triết lý đó, cùng những đồng Rúp của Roman Abramovich, đã trở thành một thế lực lớn của Châu Âu thời bấy giờ, với 2 chức vô địch Premier League (2005, 2006) và liên tục tiến sâu vào cúp Châu Âu. Sau đó, dù Mourinho ra đi nhưng ảnh hưởng vẫn còn rất lớn đến lối đá của Chelsea, triết lý của ông đã “thấm vào máu” của thế hệ vàng Lampard, Terry, A. Cole…khiến cho các đời huấn luyện viên khác, dù tài năng nhưng vẫn thất bại do đi ngược với lối chơi đã được bám rễ vững chắc. Chỉ đến khi năm 2012, “kẻ đóng thế” lừng danh Di Matteo xuất hiện thì Chelsea mới trở về đúng bản sắc vốn có. Trong trận chung kết Champions League với “Hùm xám”, hình ảnh trung phong cắm Drogba như con thoi lao về phòng ngự và chiến đấu như một chiến binh, người ta chợt giật mình nhận ra hình bóng của Mourinho trong lối chơi của Chelsea lúc ấy, cùng một chút may mắn đội bóng lì lợm ấy đã đánh bại Bayern và vô địch trong sự kinh ngạc của cả Châu Âu.
Inter Milan năm 2010 là một ví dụ thành công khác của Mourinho với cú ăn 3 lịch sử. Bất chấp một Barca đang làm mưa làm gió và lúc ấy người ta còn đang bận tranh cãi xem liệu đó có phải là đội bóng mạnh nhất lịch sử, thì chính Barca bị loại khỏi bán kết Champions League bởi lối đá chặt chẽ và thực dụng của Mourinho: phòng ngự chặt phản công nhanh chớp nhoáng.
Trận thua thất vọng của Chelsea. Ảnh: Internet |
Chỉ có một Real Madrid hào hoa với một cội rễ và bản sắc riêng biệt mới ngăn cản không cho Mourinho áp dụng lối chơi thực dụng này, chính vì thế sau 3 năm không như kỳ vọng, cuộc chia tay của Mourinho và Real được xem như giải thoát cho cả hai.
Nhìn chung lại, những thành tựu của Mourinho có được hầu hết nhờ vào triết lý trên, nó được xây dựng phù hợp với cá tính và tư duy chiến thuật của ông. Bản thân Mourinho cũng biết rõ nếu tạo ra một phong cách chơi khác thật sự không khó, nhưng chắc chắn sẽ không mang lại thành công lâu dài vì không phát huy hết thế mạnh.
Hiểu được triết lý của Mourinho, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu tại sao một David Luiz tài năng được Barca, PSG “thèm muốn” lại luôn là chủ đề ra đi hay ở lại trong triều đại của Mourinho: chỉ bởi lối đá ngẫu hứng thiếu an toàn. Một Juan Mata với danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất năm 2013 của Chelsea” phải ngậm ngùi cập bến MU: bởi anh ta thường gặp khó khăn khi tham gia phòng ngự. Hay cũng hiểu tại sao Matic, một “gã cơ bắp” được Mourinho đem trở lại Stamford Bridge trước những ánh mắt hoài nghi của các chuyên gia.
Vấn đề của Chelsea hiện nay không đơn thuần chỉ là thiếu một trung phong đẳng cấp như Diego Costa hay một hậu vệ chắn chắn kiểu Varane, quan trọng nhất ở chỗ thế hệ cầu thủ hiện có vẫn chưa hoàn toàn thấm nhuần tư tưởng của Mourinho, sự gắn kết và triển khai lối chơi theo triết lý của ông còn hạn chế. Những cầu thủ như Terry, Lampard, A. Cole… thì đã bước vào tuổi xế chiều sự nghiệp.
Vì vậy, lực lượng và lối chơi của Chelsea năm nay vẫn đang trong giai đoạn hình thành, chưa đủ sức trở thành một nhà vô địch. Thực tế đã chứng minh Premier League hầu như đã vuột khỏi tầm tay, còn Champions League dường như bất khả thi khi các đối thủ quá mạnh. Chính vì lẽ đó, người hâm mộ Chelsea chỉ có thể mong đợi một kỳ tích vào mùa giải năm sau, khi mà một Chelsea lì lợm, bản lĩnh và thấm đẫm triết lý của Mourinho bước ra ngoài thách thức Châu Âu.