Trong làn sóng doanh nhân châu Á đầu tư cho bóng đá đỉnh cao phương Tây, bên cạnh các ông trùm tư bản Ả rập hay Indonesia, Malaysia, Singapore đang có làn sóng các tỷ phú Trung Quốc không tiếc tiền đầu tư vào lĩnh vực này.
Huawei - Tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc mới ký hợp đồng tài trợ cho Arsenal đến hết mùa bóng 2015 - 2016 |
Những "ông trùm" Châu Á
Bóng đá châu Âu và đặc biệt là bóng đá Anh (giải vô địch quốc gia Premier League hấp dẫn và hùng mạnh nhất thế giới) có sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó lý giải việc rất nhiều CLB Anh đã trở thành đích ngắm của nhiều doanh nhân châu Á, từ Malaysia, Trung Quốc, Singapore...
Các CLB có ông chủ người châu Á như: Queens Park Rangers, Birmingham City, Cardiff City... hay như cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã từng sở hữu CLB Man City vào cuối những năm 2000, đặt nền móng cho Man xanh vươn lên trở thành đội bóng có tiềm lực mạnh nhất nước Anh hiện nay.
Trước khi mua Man City, ông Thaksin đã nhắm tới đội bóng còn nổi tiếng hơn là Liverpool. Bán Man City cho tỷ phú Ả rập Mansour (thuộc hoàng gia U.A.E), ông Thaksin lời 80 triệu bảng chỉ sau 1 năm.
Kinh doanh bóng đá là lĩnh vực siêu lợi nhuận, vì ngoài khoản tiền kể trên sau khi bán lại Man City, Thaksin còn thu lợi từ nhiều hợp đồng kinh tế với các đối tác làm ăn cả cũ lẫn mới, xuất phát từ vị thế ông chủ một CLB Anh. Tương tự là tỷ phú Nga, Roman Abramovich cũng thành công lớn trong kinh doanh khi sở hữu CLB Chelsea từ cách đây 11 năm.
Lợi nhuận khổng lồ
Thành công của những nhà đầu tư trên đã thôi thúc các tỷ phú Trung Quốc đầu tư vào bóng đá Anh. Sự kiện thời sự mới nhất là tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc Huawei ký hợp đồng tài trợ cho đội bóng nổi tiếng Arsenal (đang dẫn đầu giải Ngoại hạng Anh) đến hết mùa bóng 2015/2016.
Hợp đồng này giúp Huawei trở thành một trong những đối tác lớn nhất của Arsenal trong lĩnh vực tiếp thị, quảng cáo, thương mại khai thác thương hiệu của CLB chủ sân Emirates. Tất nhiên, số tiền Huawei bỏ ra không nhỏ, khoảng 100 triệu USD.
Trước đó, ông trùm game online tại Trung Quốc - tỷ phú Zhu Jun (đồng thời là đối tác độc quyền kinh doanh mảng điện thoại thông minh cho giải vô địch Tây Ban Nha, La Liga) từng định mua CLB MU Utd với giá hơn 1 tỷ USD hồi năm 2007, nhưng ông chủ người Mỹ của “Quỷ đỏ” là Malcom Glazer không chịu bán với lý do nguồn gốc tiền chưa được kiểm toán theo chuẩn quốc tế.
Zhu nói, bóng đá Anh là mảnh đất đầu tư cực kỳ thuận lợi, vì một ví dụ đơn giản là khi cựu ngôi sao Trung Quốc Li Tie thi đấu cho Everton, có hơn 800 triệu người Trung Quốc theo dõi các trận đấu của Everton. Man City từng có Shun Ji-hai nên các trận giữa Everton và Man City lại càng là cơ hội kinh doanh khổng lồ cho giới kinh doanh Trung Quốc. Đây là thị trường tiềm năng nhất mà rất nhiều CLB lớn ở châu Âu đang tranh nhau khai thác.
Mới đây, Công ty Wahada ở Hàng Châu của tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Zong Quihou (tài sản 16,6 tỷ USD) đã ký hợp đồng tài trợ với MU, lập tức giúp cổ phiếu đội bóng này tăng 5,2%. Mức độ đầu tư khủng của Zong cho MU bỏ xa số tiền một doanh nhân người Indonesia bỏ ra để mua lại đội bóng lừng danh Inter Milan của Italia.
Xét về đẳng cấp kinh doanh, các CLB của Italia kém xa các CLB của Anh vào lúc này, trong khi MU lại là số 1 nước Anh và cả thế giới về mặt kinh doanh. Vì thế, Zong không tiếc tiền đổ vào Red Devils, với hy vọng sẽ được ké một phần chia không nhỏ từ “miếng bánh khổng lồ” mang thương hiệu Manchester United.